Dạy thêm tràn lan vì học quá nặng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gốc rễ của vấn đề dạy thêm tràn lan chính là chương trình học quá nặng và rườm rà, thầy cô không thể truyền đạt hết kiến thức trên lớp.
Dạy thêm tràn lan vì học quá nặng
Ảnh minh họa

Tại phiên trả lời chất vấn ngày 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để điều tiết hoạt động dạy, học thêm. Khi đó, muốn mở trung tâm dạy thêm, chủ sở hữu phải đáp ứng được các điều kiện tối thiểu như: chất lượng giáo viên (trình độ, kinh nghiệm, đạo đức, sức khoẻ); cơ sở vật chất; kế hoạch tổ chức dạy và học... Hoạt động này cũng sẽ được kiểm tra và có chế tài chặt chẽ để xử lý nếu xảy ra tiêu cực, sai phạm.

Nhấn mạnh nguyên nhân của thực trạng dạy thêm bắt nguồn từ chương trình học quá nặng, độc giả Anonymous V chia sẻ:

Anonymous V

Gốc rễ của vấn đề dạy thêm tràn lan chính là chương trình học quá nặng và rườm rà. Bản thân nhiều thầy cô không muốn hoặc không thể truyền đạt hết kiến thức theo giáo trình trong thời gian học quy định. Trong khi đó, các bậc cha mẹ cũng muốn biến con mình thành "siêu nhân", nên học cả ngày ở trường chưa đủ còn bắt con học thêm cả buổi tối. Sự phân công và phân hóa của lực lượng lao động trong xã hội là cần thiết, nên không thể biến các em thành người cái gì cũng biết (học quá nhiều) nhưng thực ra lại chẳng biết làm gì. Nói không quá, học sinh, sinh viên bây giờ nếu học nghiêm túc thì thời gian ngủ cũng chẳng có, nói gì đến vui chơi.

Nhiều người nói lương giáo viên thấp là nguyên nhân khiến dạy thêm tồn tại. Nhưng tôi cho rằng đây là câu chuyện tự thân của ngành Giáo dục chứ không phải là Nhà nước dành chi phí cho giáo dục ít. Thực tế hiện nay, biên chế chính thức của ngành Giáo dục quá đông. Theo số liệu năm 2018, tổng biên chế hành chính sự nghiệp cả nước là 2,3 triệu người, trong đó ngành Giáo dục chiếm tới 1,2 triệu người (52%), chưa kể các nhân viên hợp đồng như giáo viên hợp đồng, y tá, lao công, bảo vệ... Tổng cộng khoảng 1,5 triệu người.

Ngân sách có hạn, mà bộ máy ngày càng phình to ra nên chuyện giáo viên lương thấp (so với các ngành khác) cũng là điều đương nhiên. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết là phải giảm biên chế, bố trí nhân sự hợp lý chứ không phải kêu ca lương thấp rồi xin dạy thêm.

Dạy thêm là không cần thiết cho tất cả các học sinh. Chỉ những học sinh yếu, kém mới cần bổ túc kiến thức. Nhưng khổ nỗi, thực tế nhiều thầy cô bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm mở lớp dạy thêm, nếu học sinh nào không theo học sẽ lập tức trở thành yếu kém. Chuyện các thầy cô muốn kiếm thêm thu nhập không sai, dạy thêm trở thành một nghề phụ cũng có thể chấp nhận được, nhưng giáo viên phải làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trên bục giảng trước khi muốn dạy thêm.

Hãy để học sinh tự quyết định việc có đi học thêm hay không? Dạy thêm đại trà (cho tất cả các học sinh từ yếu kém đến giỏi) như hiện nay rõ ràng không cần thiết, khi kỳ thi tốt nghiệp cấp nào cũng có tỷ lệ "đỗ" tới 99%.

Đồng quan điểm, bạn đọc Long Nguyen cho rằng, việc siết chặt dạy thêm, học thêm chỉ có thể đạt được hiệu quả khi giải quyết được gốc dễ của vấn đề là chương trình giáo dục:

Long Nguyen

Thực tế dạy thêm xuất phát từ đâu? Theo tôi chủ yếu do khối lượng chương trình đào tạo và thực tế tuyển sinh của các trường hiện nay còn nhiều bất cập. Chương trình học trên trường chỉ có một buổi, nhưng cũng do khối lượng kiến thức quá nặng mà một số khối lớp 9 và 12 phải học thành hai buổi, rồi còn bắt đi học thêm.

Ngay cả đầu vào các trường đại học hằng năm cũng là quá thấp so với lượng thi sinh đăng ký, tạo nên tỷ lệ chọi rất cao, các thí sinh sẽ phải chịu sức ép lớn khi không biết tương lai mình sẽ đi về đâu nếu bị trượt? Và rồi tất cả các em lại đổ xô đi học thêm để cạnh tranh cho một "tấm vé thông hành".

Nhiều người nước ngoài từng rất thắc mắc với cách học ở Việt Nam khi học sinh phải dành hai buổi học trên trường, nhưng đến tối vẫn phải đi học thêm. Câu hỏi đặt ra là nếu phải đi học thêm nhiều như vậy các em đã học đươc gì trên trường lớp? Tôi thấy, tất cả nằm ở chương trình đào tạo không hợp lý. Một vài giải pháp có thể áp dụng:

1. Với các môn như ngoại ngữ, tin học, nhà trường nên quy chuẩn điểm số của các em với các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế. Nếu đã có chứng chỉ đạt chuẩn thì có thể miễn học.

2. Việc đánh giá xếp loại dựa vào điểm trung bình khiến học sinh có tâm lý "môn phụ môn chính" trái ngược với tinh thần giáo dục là bộc lộ phẩm chất vốn có. Một người có tố chất về lịch sử nhưng vẫn phải cố giỏi đều các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, vậy có hợp lý? Đánh giá học sinh giỏi, khá, trung bình cần theo từng môn cụ thể. Điểm trung bình có thể coi như điều kiện phải có để lên lớp, chứ không nên dùng để quy chụp năng lực học sinh.

Cái gốc của học thêm không chỉ nằm ở áp lực trên trường mà còn ở tâm lý, tư duy của mỗi phụ huynh, phân hóa thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp. Các hình thức đào tạo sau cấp ba chưa được phổ biến mà hầu hết chỉ tập trung vào Đại học (các trường Trung cấp nghề, Cao đẳng, Đại học online, tại chức, hệ liên thông... rất khó tuyển sinh). Ngoài việc học thêm trực tiếp, phụ huynh cũng nên cân nhắc hình thức học online qua các khóa học trực tuyến, cho con học các môn thể thao, năng khiếu, kỹ năng...

Tóm lại, học thêm đã trở thành một thói quen cố hữu qua rất nhiều thế hệ. Muốn thay đổi nó, chính những người đã hình thành nên tư tưởng này phải tự thay đổi suy nghĩ của mình trước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật