“Nhiều người Việt lười đi bộ dù không thiếu vỉa hè”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Vỉa hè ở Bangkok, Kuala Lumpur nhỏ và bị giao cắt nhiều, nhưng họ vẫn đi bộ, trong khi ở ta vỉa hè to đẹp lại chẳng có bóng người’.
“Nhiều người Việt lười đi bộ dù không thiếu vỉa hè”
Ảnh minh họa

Bên lề câu chuyện giao thông công cộng đang được quan tâm thời gian gần đây, nhiều người lấy lý do "thiếu vỉa hè" để giải thích cho việc người Việt ngại đi bộ và chưa mặn mà với các phương tiện như tàu điện, xe buýt.

Tuy nhiên, từ những trải nghiệm thực tế tại nhiều nước trong khu vực, độc giả Quan Nt lại có cái nhìn hoàn toàn khác: "Tôi đã trải nghiệm một số tuyến tàu điện ở nước ngoài và thấy rằng không phải mọi nơi đều có vỉa hè và điều kiện thuận tiện để đi bộ. Ví dụ như ở Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia), người đi bộ cũng không thực sự thoải mái vì vỉa hè khá nhỏ và bị giao cắt nhiều. Tuy vậy, người dân vẫn đi bộ và sử dụng tàu điện để góp phần giảm tải giao thông nội đô.
Hà Nội sẽ cần thêm thời gian để xây dựng và quy hoạch tuyến giao thông công cộng phù hợp để hoàn thiện hệ thống. Một điểm khác biệt mà tôi nhận thấy, đó là các nước thường bố trí đường nối cho người đi bộ trên cao từ ga tàu điện vào thẳng các tòa nhà, trung tâm thương mại, các điểm tập trung đông người... Từ đó, giúp người đi bộ tiếp cận dễ dàng hơn. Hy vọng các nhà quản lý ở ta cũng sẽ có các giải pháp tương tự ở Hà Nội để giúp việc sử dụng tàu điện thuận lợi hơn".

So sánh với điều kiện tại các nước Âu - Mỹ, bạn đọc Dinhck3403 chia sẻ: "Nhiều người Việt lười vận động, cứ muốn một bước lên xe. Bản thân tôi sống ở Hà Nội hơn 40 năm rồi, là người không lạ‌m dụn‌g phương tiện, đi bộ đi làm hơn một km là chuyện bình thường, mặc dù nhà tôi có cả ôtô và xe máy. Tôi cũng từng làm việc tại các nước Á, Âu, Mỹ vài chục lần, hằng ngày đi bộ ra khỏi nhà đến bến tàu mất 15 phút. Tôi thấy người dân của họ cũng chủ yếu là đi bộ đi làm, muốn nhanh thì tránh nhau mà đi, chứ vỉa hè rất đông đúc, nhất là buổi sáng và tan tầm, nếu có va chạm vào nhau thì xin lỗi rất văn minh. Nhiều khi, vỉa hè của họ còn chật chội hơn so với cảnh xe máy, hàng hóa để trên vỉa hè ở ta. Vì vậy, thứ chúng ta cần thay đổi là tư suy bảo thủ, để hướng đến văn minh đô thị".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân nên đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tính trung bình quãng đường đi bộ mỗi ngày của người dân chỉ bằng 1/3 so với mức tiêu chuẩn của WHO. Một trong những nguyên nhân khiến người dân Việt Nam chưa tạo cho mình có thói quen đi bộ là sự phụ thuộc quá nhiều vào các phương tiện đi lại.

Đánh giá chất lượng vỉa hè tại Việt Nam, độc giả Danghongcuong khẳng định đây không phải nguyên nhân chính cản trở khả năng đi bộ của người Việt: "Nhiều người vẫn lấy lý do vỉa hè không thông thoáng, sạch sẽ, bị chiếm dụng, không có cây xanh... để biện minh cho việc lười đi bộ của mình. Thật buồn cười khi cứ chờ cho tới khi vỉa hè đủ những điều kiện hoàn hảo mới bắt đầu thay đổi thói quen đi bộ. Đúng là nhiều nơi ở ta, vỉa hè còn bẩn, hẹp, bị lấn chiếm, thiếu cây xanh. Nhưng nói riêng ở Hà Nội, tôi thấy có rất nhiều con đường cây xanh phủ mát, vỉa hè rộng rãi nhưng có mấy ai đi bộ đâu".

"Vỉa hè ở Việt Nam vẫn có thể đi bộ bình thường. Nếu chúng ta cứ ngồi đợi đến lúc nào cơ sở hạ tầng được như nước ngoài thì chẳng biết đến bao giờ người Việt mới đi bộ được? Người Việt ít đi bộ chẳng qua là do lười biếng. Không thể đổ thừa thứ này, thứ kia. Tôi có dịp qua những nước Đông Nam Á, và thấy nhiều nơi vỉa hè cũng đâu hơn Việt Nam, nhưng người ta vẫn đi bộ thường xuyên", bạn đọc TP nói thêm.

Mỗi người đều có lý do riêng để giải thích cho việc ưu tiên sử dụng phương tiện cá nhân thay vì đi bộ. Hàng loạt hạ tầng cho người đi bộ được xây dựng, sau đó bị bỏ không bởi không có hoặc có ít người sử dụng. Có thể kể đến như hầm đi bộ hay cầu vượt được xây dựng rất nhiều nhưng vẫn vắng bóng người sử dụng.

Cùng chung nhận định, độc giả Blah cho rằng nguyên nhân lớn nhất ở đây chính là thói quen lười đi bộ của người Việt: "Nhiều người đang đánh đồng một số vỉa hè xấu với tất cả vỉa hè ở Việt Nam. Có những nơi vỉa hè thênh thang nhưng tôi thấy có ai đi đâu. Tôi đã sống và du lịch ở châu Âu trong 5 năm, và thấy chưa có vỉa hè nào nhiều cây như ở Hà Nội. Có những con đường trống không, chỉ có cột đèn, nhưng người dân vẫn đi bộ bình thường.

Nói đến đây, hẳn nhiều bạn sẽ lấy lý do khí hậu Việt Nam nóng nực chứ không mát mẻ như họ, nhưng nếu thì tại sao mùa thu và mùa đông ở hà Nội cũng không nhiều người đi bộ? Còn ở Sài Gòn, khí hậu cũng chẳng khác gì Singapore, vậy nhưng họ đi bộ được, còn mình lại không. Hãy thay đổi mình trước khi đổ lỗi cho điều kiện ngoại cảnh khách quan".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật