Nền kinh tế vững vàng trước những khó khăn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phải tới tuần sau, số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 mới chính thức được công bố, song các dự báo cho rằng, kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của cơn bão Yagi, nhưng vẫn sẽ vững vàng trước khó khăn.
Nền kinh tế vững vàng trước những khó khăn
Bão Yagi không gây ảnh hưởng quá nặng nề đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Ảnh: Đức Tha

Ảnh hưởng bão Yagi, kinh tế quý III có giảm tốc?

Các dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP quý III sẽ thấp hơn so với các dự báo trước đó, do những ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3 (Yagi). Về triển vọng tăng trưởng năm 2024, ảnh hưởng từ bão Yagi sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV/2024 ở các vùng phía Bắc của đất nước.

“Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc”, Ngân hàng UOB nhận định trong báo cáo được công bố mới đây.

Theo UOB, dù kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II/2024 - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong gần 2 năm qua, nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024. Bởi vậy, sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm, UOB đang điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đối với quý III/2024, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,7% (giảm so với mức 6,0% trước đó) và sang quý IV là 5,2% (giảm so với mức 5,4%).

Sự giảm điểm trong tăng trưởng GDP củ‌ּa qu‌ּý III là điều dễ hiểu, bởi Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Chỉ ít ngày sau cơn bão, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Chính phủ, cũng cho biết, ước tính tăng trưởng GDP quý III sẽ giảm 0,35 điểm phần trăm, 9 tháng giảm 0,12 điểm phần trăm; quý IV giảm 0,22 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7% được đưa ra trước đó.

Hồi tháng 7/2024, sau khi tăng trưởng GDP được công bố ở mức 6,42%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Theo đó, tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7% và 7,0%).

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP cả năm đạt 7%, trong đó, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm. Dựa trên 2 kịch bản trên, nếu tăng trưởng GDP quý III giảm 0,35 điểm phần trăm, thì có thể con số vẫn ở ngưỡng khoảng 6,7-7%.

Con số trên khá tương đồng với dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng. Theo các chuyên gia phân tích của công ty này, bão Yagi đã gây tác động nghiêm trọng đến khu vực kinh tế phía Bắc của Việt Nam và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong quý III và cả năm 2024.

“Chúng tôi thận trọng điều chỉnh tăng trưởng GDP quý III quanh mức 6,7%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, những tác động này sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn, do đó sẽ không làm thay đổi mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025”, chuyên gia phân tích Bùi Thị Quỳnh Nga cho biết.

Vững vàng trong khó khăn

Cùng với tăng trưởng GDP dự báo giảm tốc trong quý III và quý IV, tăng trưởng GDP của cả năm vì thế cũng sẽ giảm tốc theo. Trong báo cáo vừa được công bố, UOB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 xuống còn 5,9%, thay vì 6% như trước đó. Tuy vậy, các chuyên gia của UOB vẫn cho rằng, đây là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023.

Trái ngược với sự giảm điểm của năm 2024, UOB dự báo, tăng trưởng năm 2025 tăng xấp xỉ 0,2% điểm phần trăm, lên mức 6,6%, để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó. Điều đó cho thấy, tiềm năng tăng trưởng và xu hướng phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn khá tích cực. Sự giảm điểm chủ yếu do những thiệt hại của bão số 3 gây ra.

Khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ giảm 0,15 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%. Mức giảm không phải quá lớn và nếu nỗ lực, có thể được bù đắp trong những tháng cuối năm 2024.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, hậu quả của bão Yagi là khá lớn, nhưng tác động đến kinh tế không quá nhiều và đây cũng là cơ hội để “tái sinh”.

Thực tế, hoạt động sản xuất công nghiệp không bị ảnh hưởng quá nặng nề của bão. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do bão diễn ra vào ngày cuối tuần, trước đó cũng đã có cảnh báo của các cơ quan chức năng, nên các hoạt động sản xuất công nghiệp đã được các địa phương, doanh nghiệp chủ động có biện pháp phòng chống, dự phòng.

Và ngay sau khi bão tan, các doanh nghiệp đã tổ chức lại ngay hoạt động sản xuất để đảm bảo kịp tiến độ đơn hàng và đáp ứng tốt nhu cầu hàng hóa trong nước. Ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị suy giảm sản xuất công nghiệp trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khoảng 3.500 tỷ đồng.

Một khi động lực công nghiệp chế biến, chế tạo được “kéo” lên, tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ không ảnh hưởng quá nhiều; nền kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong khó khăn. Chính phủ cũng đã rất quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay.

Việc thực thi 6 nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế có thể “tái sinh”.

Theo ông Shantanu Chakraborty, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thực thi các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tại những địa phương chịu thiệt hại do bão lũ. Một yếu tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là giải ngân đầu tư công.

“Hiện tại, mức giải ngân còn cách khá xa so với mục tiêu 95% kế hoạch mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm và đây sẽ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Bùi Thị Quỳnh Nga cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các chính sách hỗ trợ để khôi phục nền kinh tế, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế duy trì quán tính tăng tốt. Đặc biệt là khi tỷ giá đã giảm sâu, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn nhiều dư địa hơn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật