Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn thủy sản trị giá gần 11,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay, giảm gần 6% về khối lượng và 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc.
Tôm hùm, cua, ốc "đắt hàng"
Hiện nay, 5 quốc gia chủ yếu cung cấp thủy sản cho Trung Quốc gồm Ecuador, Nga, Việt Nam, Canada và Ấn Độ. Nhìn chung, hoạt động nhập khẩu thủy sản từ 5 nhà cung cấp này đều không mấy khả quan, hoặc giảm về khối lượng hoặc giảm về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đạt trên 1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai mặt hàng lớn nhất là cá tra (doanh thu giảm 1,2% xuống 350 triệu USD) và tôm chân trắng (doanh thu 180 triệu USD, tương đương cùng kỳ).
Xuất khẩu tôm sú, cá cơm, chả cá, surimi đều thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng như tôm hùm (+139%), cua (gấp 16 lần), ốc (+603%), nghêu (+215%) tăng trưởng đột phá.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các sản phẩm tươi sống của Việt Nam đang có dư địa tốt hơn trên thị trường Trung Quốc nhờ nhu cầu cải thiện. Trong khi đó, sản phẩm đông lạnh gặp khó vì áp lực cạnh tranh và sự sụt giảm giá nhập khẩu.
Thực tế, Trung Quốc cũng là nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Song, phần lớn sản lượng của nước này đến từ nuôi trồng, các loại hải sản địa phương có hạn và người tiêu dùng vẫn tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm được dán nhãn chất lượng cao và được quốc tế công nhận, nhất là thủy sản tươi sống.
Đầu ra cho hải sản tươi sống ở Trung Quốc
Theo VASEP, người tiêu dùng ở các thành phố ven biển của Trung Quốc thích thủy sản sống. Với việc hệ thống thương mại điện tử của quốc gia này được trang bị các cơ sở chuỗi cung ứng và chuỗi lạnh tiên tiến, ngành bán lẻ đang đẩy mạnh bán nhiều sản phẩm thủy hải sản sống hơn.
Hầu hết hải sản sống đều được tiêu thụ tại các kênh khách sạn, nhà hàng và tổ chức. Các nhà hàng trong những khách sạn được xếp hạng sao, nhà hàng hải sản đặc sản và nhà hàng Quảng Đông là những nơi phổ biến nhất mà người tiêu dùng thưởng thức hải sản sống nhập khẩu.
Cua sống, tôm hùm là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động nhập khẩu hải sản tươi sống của Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc nhập hơn 37.000 tấn tôm hùm. Ảnh: An Bình.
8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu cua của Trung Quốc đạt 86.700 tấn với giá trị trên 1,3 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng cua sống đạt 68.400 tấn, trị giá 1,14 tỷ USD.
Nhập khẩu tôm hùm cũng tăng 15% về lượng và 14% về giá trị lên 37.000 tấn, trị giá trên 1 tỷ USD.
Việc nhập khẩu hải sản sống đòi hỏi khả năng chuỗi lạnh tiên tiến, đặc biệt là tại các cảng nhập cảnh. Trong hầu hết trường hợp, nhà nhập khẩu hoặc nhà bán buôn phải thiết lập một cơ sở chứa để giữ sản phẩm sống và hoạt động trong 6-8 tháng.
Hoạt động buôn bán hải sản sống nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu diễn ra ở cấp độ thị trường bán buôn. Ngoài ra còn có những nhà nhập khẩu sử dụng các chuyến bay thuê bao để mua trực tiếp số lượng lớn hải sản sống với một nhà phân phối hoặc cửa hàng bán lẻ có uy tín.
Hải sản sống chủ yếu được vận chuyển bằng đường hàng không. Các sân bay được sử dụng bao gồm Thanh Đảo và Trịnh Châu, cả 2 đều cung cấp một số trợ cấp vận chuyển hàng hóa.