Tạo đột phá cho kinh tế biển Đà Nẵng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kinh tế biển Đà Nẵng hiện tập trung chủ yếu về du lịch, hàng hải và khai thác thủy sản. Thành phố đang đầu tư, phát triển các lĩnh vực kinh tế biển với mục tiêu đến năm 2030 đóng góp 15% vào GRDP thành phố. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, Đà Nẵng cần nhiều giải pháp đột phá hơn.
Tạo đột phá cho kinh tế biển Đà Nẵng
Sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng gần cán mốc 13 triệu tấn/năm.

Hình thành cụm cảng trung tâm vùng

Đà Nẵng đã tận dụng tốt lợi thế điểm cuối và cửa ngõ chính ra biển Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây trong khai thác dịch vụ cảng biển với sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng năm 2023 gần 12,9 triệu tấn (sản lượng hàng container hơn 650 nghìn TEU). Hạ tầng cảng biển của Đà Nẵng thời gian qua cũng được đầu tư mạnh với các dự án mở rộng cảng Tiên Sa, xây dựng mới cảng Liên Chiểu. Tuy vậy, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) cho rằng, Đà Nẵng vẫn chưa phát huy được đầy đủ lợi thế kinh tế biển trong củng cố vị thế của một thành phố cảng biển, trung tâm logistics, đầu mối liên kết vùng và sức cạnh tranh cấp khu vực, quốc tế. Điều kiện cơ sở vật chất để phát triển dịch vụ logistics của Đà Nẵng còn hạn chế do khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển, hệ thống thông tin logistics còn lạc hậu. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Đà Nẵng cần huy động nguồn lực để xây dựng, mở rộng, hiện đại hóa cảng Đà Nẵng thành cảng biển tổng hợp cấp quốc gia và vùng, đảm nhiệm vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở miền Trung theo hướng cảng xanh, thông minh.

TS Huỳnh Huy Hòa, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho biết, để khai thác hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển cần xây dựng cụm Cảng Đà Nẵng trở thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Trong đó, ứng dụng công nghệ số đối với hệ thống Cảng Đà Nẵng, hướng đến hình thành mô hình Cảng thông minh. Ngoài ra, cần hoàn thiện hạ tầng logistic, các tuyến đường giao thông kết nối liên thông các cảng biển với các khu công nghiệp của thành phố; phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý. TS Huỳnh Huy Hòa cũng cho biết, để hỗ trợ cho việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cạn ICD Hòa Nhơn nhằm giải quyết vấn đề kho bãi của cảng Tiên Sa; nghiên cứu xây dựng các tuyến sà lan trên sông Hàn kết nối với cảng Tiên Sa nhằm đẩy nhanh tốc độ thoát hàng tại cảng này. Khi cảng Liên Chiểu hoàn thành đưa vào khai thác cần nguồn hàng hóa rất lớn, vì vậy Đà Nẵng cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp mới và thu hút đầu tư nhằm tạo nguồn hàng hóa cho cảng biển.

Du lịch biển phải đẳng cấp hơn

TS Huỳnh Huy Hòa cho biết, du lịch biển của thành phố đã tạo được thương hiệu quốc tế với hệ thống các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ giải trí biển hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch vụ và du lịch biển Đà Nẵng vẫn chưa tạo được sự khác biệt nổi trội so với các địa phương khác trong vùng. Các dịch vụ, hoạt động thể thao, giải trí trên biển mới chỉ thu hút được đối tượng là khách phổ thông và chưa có phân khu riêng cho dòng khách cao cấp. Không gian phát triển các sản phẩm du lịch biển chỉ tập trung được đầu tư ở khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chỉ mới phát triển ở khu vực biển (bờ Đông Bắc bán đảo Sơn Trà), riêng khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố (Làng Vân) chưa được đầu tư tương ứng với tiềm năng. Do đó, TS Huỳnh Duy Hòa cho rằng, Đà Nẵng cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng du lịch Tiên Sa, có cơ chế ưu đãi thu hút các tàu biển du lịch quốc tế quy mô lớn đến Đà Nẵng.

Cần đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu tàu, cảng cá Thọ Quang.

Để tạo đột phá trong phát triển du lịch biển, TS Huỳnh Huy Hòa cho rằng cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản nghỉ dưỡng ở các khu vực có tài nguyên thiên nhiên đặc sắc. Chẳng hạn như tại Vịnh Đà Nẵng cần nghiên cứu đầu tư hình thành đảo nổi nhân tạo trong dài hạn; các khu vực hồ chứa nước, nghỉ dưỡng núi cần khuyến khích các dự án tổ hợp cao cấp. Riêng với các sản phẩm du lịch mới cần tập trung phát triển hoạt động thể thao, giải trí dưới nước chất lượng: vịnh phao nổi (Splash Bay), đi bộ dưới biển (Sea walker), ván bay (Flyboard), tàu lặn (seabreacher)… tại tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành, Vịnh Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng có thể hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo trên nền tảng tài nguyên sẵn có kết hợp với tư duy đa chiều, toàn diện như các sản phẩm du lịch khai thác từ nắng, từ gió Đà Nẵng, từ văn hóa ứng xử với bão của Đà Nẵng (Bảo tàng về bão), hay thậm chí từ rác biển Đà Nẵng (Công viên tái chế), khách sạn lưu trú nổi trên biển (mô hình Floating Mansion tại Miami), nhà hàng dưới đáy biển (mô hình nhà hàng Itaa, Maldives)...

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, dù phát triển du lịch dịch vụ biển hay kinh tế hàng hải thì yếu tố then chốt để tạo đột phá cho kinh tế biển vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, rất cần xây dựng một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực biển theo cơ chế hợp tác P-P tại Đà Nẵng, đồng thời tổ chức triển khai điều tra cơ bản về biển với sự giúp đỡ nguồn lực của quốc gia.

Trong kinh tế biển của Đà Nẵng, lĩnh vực khai thác thủy sản gắn với công nghiệp chế biến, đóng tàu cũng đóng góp rất quan trọng. Thành phố hiện có các cơ sở đóng tàu hiện đại với năng lực đóng mới 100 tàu/năm, sửa chữa 1.000 tàu/năm. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, nghề cá của Đà Nẵng cần chuyển dịch theo hướng đánh bắt xa bờ thậm chí ngay cả viễn dương. Bên cạnh việc tổ chức đội tàu hiện đại khai thác xa bờ dài ngày (có tàu hậu cần, sơ chế, bảo quản hải sản) thì việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu tàu, cảng cá Thọ Quang đạt cảng cá loại I, là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước rất cần kíp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật