Ngày 8/11, hội đồng cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức đã công bố báo cáo thường niên về nền kinh tế nước này, theo đó nền kinh tế được dự báo sẽ suy thoái trong năm nay và chỉ phục hồi một cách khó khăn trong năm tới.
Hội đồng cố vấn cho rằng nước Đức có mức tăng trưởng thấp nhất trong tất cả các nền kinh tế khu vực đồng euro, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Hội đồng dự báo sản lượng kinh tế sẽ giảm 0,4% trong năm nay. Mức suy giảm này thậm chí sẽ còn lớn hơn nhưng nhờ các biện pháp chính sách kinh tế sâu rộng nhằm chuyển đổi nguồn cung năng lượng và giảm bớt tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng, nước Đức đã ngăn chặn được điều đó.
Trong năm tới, quá trình phục hồi sẽ gặp nhiều khó khăn và dự kiến tăng trưởng chỉ ở mức 0,7% (chỉ bằng một nửa so với một số dự báo gần đây của các viện nghiên cứu kinh tế). Về lạm phát, hội đồng dự báo sẽ giảm xuống mức 2,6% trong năm 2024.
Các cố vấn kinh tế hàng đầu của Chính phủ Đức cho rằng sự suy giảm của nền kinh tế trong năm nay chủ yếu là do chính sách lãi suất và hoạt động ngoại thương yếu. Trong trung hạn, những trở ngại rõ ràng cho tăng trưởng là già hóa dân số, năng suất lao động tăng chậm, nguồn vốn hạn chế và số lượng các doanh nghiệp trẻ và sáng tạo ở mức thấp.
Theo hội đồng, để khắc phục tình trạng tăng trưởng yếu, nước Đức phải đầu tư cho tương lai. Điều này đòi hỏi tiến bộ về năng suất lao động thông qua đổi mới, thị trường vốn có tính thanh khoản cao hơn, cổ phần mạnh mẽ và cung cấp nhiều khoản đầu tư mạo hiểm hơn.
Tình trạng già hóa dân số cũng đòi hỏi phải cải cách lương hưu trong dài hạn, kết hợp nhiều phương án cải cách khác để phân bổ gánh nặng già hóa một cách công bằng hơn giữa các thế hệ. Các biện pháp khuyến khích làm việc và cải cách chính sách nhập cư cũng phải được triển khai đồng bộ.