Đối mặt với những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, Trung Quốc cũng đang chạy đua để thắt chặt sự kiểm soát của mình đối với lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận của Bắc Kinh là vừa tung ra các biện pháp trừng phạt hạn chế xuất khẩu để đe dọa các đối thủ cạnh tranh, đồng thời cũng tăng cường đầu tư toàn cầu.
Trong phát súng đáp trả mới nhất ngày 7/11, Bắc Kinh tiếp tục siết chặt các đối thủ cạnh tranh bằng cách công bố các hạn chế xuất khẩu đất hiếm mới, trong đó buộc các công ty phải cung cấp thông tin loại tài nguyên và điểm đến cuối cùng của các mặt hàng đó trong hai năm tới.
Kể từ khi chuỗi cung ứng bán dẫn trở nên căng thẳng, Bắc Kinh đã đóng cửa các nguồn cung cấp đất hiếm giống như từng làm với Nhật Bản năm 2010. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới nhất của nước này được các chuyên gia cho là sự đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực “vũ khí hóa” các khoáng sản quan trọng.
Tháng trước, Trung Quốc đã công bố hạn chế xuất khẩu than chì, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong pin xe điện, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Vào tháng 7, Trung Quốc cũng trả đũa các biện pháp của phương Tây bằng cách hạn chế xuất khẩu đối với germanium và gallium, hai kim loại quan trọng trong sản xuất chip.
Ông Cullen Hendrix, thành viên cấp cao tại viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: “Tôi nghĩ thông điệp mà Trung Quốc đang cố gắng gửi đi là: đừng cố gắng tiến lên mà không có chúng tôi”. Theo chuyên gia này, việc gây khó khăn cho ngành xe điện của Mỹ và châu Âu bằng những hành động này nhằm nhắc nhở rằng phương Tây nên cẩn thận khi muốn loải bỏ Bắc Kinh trong các lĩnh vực công nghệ mới.
Bên cạnh tiếp tục thắt chặt các điểm nghẽn cung ứng vốn nằm trong tay mình, các công ty Trung Quốc cũng đang nỗ lực hết sức để đảm bảo một loạt quan hệ đối tác mới về các khoáng sản, như lithium, ở Mỹ Latinh và Châu Phi.
Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh trong tháng 11 này rằng việc khai thác lithium sẽ trở thành “tâm điểm” hợp tác giữa chính phủ Trung Quốc và Mỹ Latinh.
Một báo cáo do Đại học Fudan của Trung Quốc công bố vào tháng 7 vừa qua, đầu tư của Trung Quốc vào các dự án khai thác mỏ và kim loại ở nước ngoài sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2023, một tín hiệu cho thấy động thái tăng cường quyền kiểm soát các chuỗi cung ứng này của Bắc Kinh trong tương lai.
Các công ty Trung Quốc chuẩn bị đầu tư gần 2,8 tỷ USD để khai thác nguồn tài nguyên lithium tiềm năng của Zimbabwe; hay hỗ trợ một dự án quặng sắt ở Guinea và xem xét một hợp đồng đồng mới ở Serbia. Tập đoàn Shenghe Resources của Trung Quốc cũng chuẩn bị mua cổ phần mới của công ty khai thác đất hiếm Vital Metals, công ty hiện đang phát triển các dự án ở Canada và Tanzania.
“Trung Quốc không đứng yên trước những điều này”, ông Morgan Bazilian, Giám đốc viện Payne tại Trường Mỏ Colorado, cho biết. “Họ đang phát triển các khoản đầu tư của riêng mình vào cơ sở hạ tầng trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả phát triển thị trường cho sản xuất tiên tiến”.
Phần lớn hoạt động này có liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - sáng kiến chính sách đối ngoại nổi bật của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - vừa mới kỷ niệm 10 năm thành lập. Tại hội nghị đó, các quan chức đã báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và công nghệ.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế xuất khẩu, Bắc Kinh cũng mở rộng nguồn đầu tư vào các quốc gia Mỹ Latinh và châu Phi
Sự phát triển của Bắc Kinh đối với các chuỗi cung ứng quan trọng này càng khiến các nước phương Tây lo lắng, khi mà nhiều quốc gia đã và đang tích cực sắp xếp lại bản đồ thương mại của mình tại các địa điểm ngoài Trung Quốc.
Kevin Book, Giám đốc điều hành của Clearview Energy Partners, một công ty tư vấn, cho biết: “Các khoáng sản quan trọng là một phần của câu chuyện lớn hơn nhiều… Sự phân mảnh của thế giới đang diễn ra và việc phân chia lại thành các khối thương mại mới dường như đang diễn ra - và tôi không nghĩ Bắc Kinh đã đón nhận điều đó một cách tích cực”.
Theo các chuyên gia, điều rõ ràng là trong tương lai gần việc Mỹ, Anh hay EU thay thế khả năng của Trung Quốc trong sản xuất, tinh chế và chế biến trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng là điều không thể. Nhưng khi Bắc Kinh chọn cách tiếp cận “vũ khí hóa” để đáp trả, về dài hạn nó sẽ càng đẩy nhanh nỗ lực của các nước này nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định hơn và cắt giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.