Hơn 8000 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu PCCC

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Hơn 8000 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu PCCC
Ảnh minh họa

Chuẩn hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn về PCCC còn khiêm tốn nếu so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, các quy chuẩn tiêu chuẩn thế hệ mới được ban hành trong năm 2022, 2023 đã có những điều chỉnh, bổ sung cơ bản phù hợp với tình hình hoạt động xây dựng thực tế tại Việt Nam.

Việc xây dựng, ban hành và triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) nhằm đảm bảo an toàn cho người có thể từ trong nhà thoát nạn ra ngoài trước khi xuất hiện nguy cơ đe doạ tính mạng và sức khoẻ. Đồng thời lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản.

Theo đó, nhóm nhà xưởng công nghiệp cho phép tăng diện tích khoang cháy từ 02 lần đến không hạn chế. Khi áp dụng QCVN 06 thì các nhà xưởng phổ biến ở Việt Nam hầu như không cần bảo vệ chịu lửa đối với kết cấu thép, với diện tích khoang cháy cho phép đến 25.000m2.

Với nhóm nhà dân dụng, quy mô trung bình trở lên (cao trên 15m, diện tích sàn trên 300m2) tăng diện tích khoang cháy gấp 2,3 lần (lên đến 10.000 – 12.000m2 một sàn với chữa cháy tự động), cho phép không phải ngăn chia các tầng. Áp dụng QCVN 06 ngăn ngừa cháy lan theo mặt ngoài nhà, mở về giao thông chữa cháy…

Với nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ, cho phép một lối thoát nạn, một cầu thang thoát nạn, cho phép sử dụng cầu thang hở để thoát nạn (villa, biệt thự), cầu thang hở với hành lang bên… kết hợp giải pháp cảnh báo sớm và chữa cháy tự động.

Khó khăn vướng mắc về PCCC trong thời gian qua

Qua thực tiễn cũng như đối thoại với hàng nghìn cơ quan, tổ chức, cá nhân, lấy ý kiến từ địa phương đến người dân… Bộ Xây dựng nhận định những khó khăn vướng mắc chủ yếu về PCCC thời gian qua do các công trình hiện hữu rất lớn, tích lũy qua nhiều năm.

hiện trường vụ cháy tại ngôi nhà 4 tầng tại số 26 Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) ngày 13/5.

Số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ lệ lớn nhất (66,2%). Thông thường công trình không phải thẩm duyệt về PCCC thì các quy định, quy chuẩn về PCCC cũng ít được quan tâm. Theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ 2011 đến nay, thống kê rà soát được 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn còn hạn chế.

Lĩnh vực an toàn cháy cho nhà và công trình là lĩnh vực khó (giao thoa giữa xây dựng và PCCC), ở Việt Nam chưa được đào tạo chuyên sâu. Quy chuẩn QCVN 06 do Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, phối hợp ban hành, Bộ Công an thực thi thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra theo quy định Pháp Luật, do vậy có sự hiểu và vận dụng chưa thống nhất ở cấp địa phương.

Trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát PCCC khá nặng, không chỉ thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, còn chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, tuyên truyền, kiểm tra quản lý cơ sở..., trong khi biên chế bị hạn chế, chưa thực sự đề cao trách nhiệm của Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thi công, quá tải trong công việc.

Việc đáp ứng yêu cầu quản lý về PCCC có độ trễ nhất định cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực PCCC.

Cần giải pháp đồng bộ sửa đổi cơ chế chính sách thực hiện Pháp Luật về PCCC

Qua tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng công trình, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn cháy cho con người, nhà và công trình, Bộ Xây dựng có những đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC như:

Cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ: sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định Pháp Luật, tập trung một đầu mối để thực hiện Pháp Luật về PCCC. Rà soát phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu. Xây dựng nhóm giải pháp tăng cường, bổ sung về PCCC cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội đối với nhóm giải pháp tăng cường. Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề trước mắt và cơ chế chính sách phù hợp.

Nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quy định Pháp Luật liên quan theo hướng dẫn chuyển đổi dần từ việc bắt buộc áp dụng các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC sang khuyến khích công tác tư vấn chuyên sâu cho lĩnh vực an toàn cháy.

Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 136 theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công. Cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện thẩm duyệt và nghiệm thu trên cơ sở các hồ sơ báo cáo của đơn vị liên quan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật