Niềm vui ngày thống nhất vẫn vẹn nguyên

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, ký ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của những cựu chiến binh dường như vẫn còn vẹn nguyên. Những câu chuyện của các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mãi là những minh chứng về lịch sử sống động và đầy hào hùng.
Niềm vui ngày thống nhất vẫn vẹn nguyên
Cựu chiến binh Lê Xuân Mói trò chuyện với tác giả về một thời hoa lửa. Ảnh: Giang Nam

Những ngày tháng không bao giờ quên

Trong không khí kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), tôi tìm tới cựu chiến binh Đặng Đình Chiến (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên).

Càng đến gần ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng ông Chiến càng bồi hồi bởi những cảm xúc lẫn lộn. Vui vì nhớ lại khoảnh khắc chiến thắng lịch sử, vì thấy đất nước ngày càng phát triển. Nhưng cũng buồn khi nhớ lại những người đồng đội đã hy sinh, không kịp nhìn thấy quê hương đang từng bước chuyển mình.

Theo lời cựu chiến binh Đặng Đình Chiến, năm 1972 ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị ông hành quân vào chiến trường Quảng Trị đầy khốc liệt. Tới đầu năm 1975, đơn vị ông tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo cựu chiến binh Đặng Đình Chiến, càng về cuối, khí thế của quân ta càng hăng hái. Dù chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng ai cũng tình nguyện xông pha ra trận. Để rồi nhận lại là niềm vui chiến thắng, là buổi hành quân trong tiếng hò reo phấn khởi của nhân dân vào ngày 30/4/1975.

Ngày nghe tin miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất ông và đồng đội cứ ôm nhau mà khóc như mưa. Ai nấy đều mừng vì chiến tranh kết thúc rồi, chắc chắn được sống, được đoàn tụ với người thân rồi. Tiếng hò hét, hô khẩu hiệu tự phát vang lên đó đây: “Bác Hồ muôn năm!”; “Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!”.

Với cựu chiến binh Lê Xuân Mói (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) ký ức ngày giải phóng là những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài khi đang nằm trên bệnh xá điều trị vết thương do bom đạn. Ông Mói cho biết, ông sinh năm 1955. Sinh ra và lớn lên tại thôn Đan nhiễm, tháng 4/1974, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị bộ binh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320, Quân khu 8, đóng quân tại Mỹ Tho - Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong trận đánh ngày 25/4/1975, không hiểu duyên cớ sao mà giặc điên cuồng ném bom oanh tạc căn cứ hậu cần Quân khu và bệnh viện tỉnh Mỹ Tho. Tại trận chiến ác liệt đó, ông Mói còn nhớ như in hình ảnh nhiều đồng chí, đồng đội hy sinh. Bản thân ông khi ấy cũng ngất lịm đi vì mất một chân.

Cựu chiến binh Lê Xuân Mói bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc biết tin miền Nam giải phóng, khi đó chân ông vừa mới cắt, vết thương vẫn chưa lành, đầu óc vẫn còn choáng váng. Thế nhưng, nghe tin chiến thắng, bản thân ông Mói và các đồng đội đang điều trị trong bệnh xá vẫn hét lên vì vui mừng. Niềm vui chiến thắng như khỏa lấp đi hết những gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đã qua.

Thầm lặng góp sức xây dựng quê hương, đất nước

Có một điều đặc biệt ở những người cựu chiến binh tôi gặp đó là khi trở về giữa đời thường, bản thân họ luôn trân trọng giá trị của hòa bình và vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của người lính cụ Hồ. Suốt nhiều năm nay họ vẫn nhiệt huyết góp sức mình xây dựng cho quê hương, đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Cựu chiến binh Lê Xuân Mói là ví dụ. Tháng 10/1977, cựu chiến binh Lê Xuân Mói xuất ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 3/4, bệnh binh mất sức lao động 81%. Với khoản trợ cấp không nhiều, lại phải nuôi 5 người con, trong đó người con út bị nhiễm chất độc da cam, ông Mói đã nỗ lực vươn lên và chứng minh nghị lực, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, của “người thương binh tàn nhưng không phế”. Năm 1990, Chi hội Cựu chiến binh thôn Đan nhiễm được thành lập. Ông Mói được tín nhiệm bầu giữ Chi hội Phó. Bản thân là thương binh, ông Mói thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các hội viên. Vì thế, ông luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào “nghĩa tình đồng đội”, “giúp nhau giảm nghèo”.

Nhận thấy, thôn Đan nhiễm có nghề đan lát những sản phẩm bằng tre, nứa nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn, ông đã mạnh dạn cùng một số người trong Tổ thương binh - hưu trí liên kết với Hợp tác xã mua bán huyện Thường Tín đứng ra mở tài khoản, nhận bao tiêu sản phẩm bán cho các nhà máy như Rượu - Bia Hải Hà, phích nước Rạng Đông, Mỳ Hải Châu...

Ngôi nhà ông trở thành địa điểm thu gom sản phẩm và ông trực tiếp chuyển cho các nhà máy, nhận tiền, chi trả đầy đủ, chính xác cho từng hộ dân, giúp bà con trong thôn và gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định vượt qua những năm tháng khó khăn.

Tháng 5/2016, thôn Đan nhiễm được đầu tư làm con đường chạy qua làng dài 145m, rộng 2,5m. Ông Mói đã đến từng nhà vận động giải thích, nhờ đó thu được số tiền đóng góp hơn 60 triệu đồng. Đặc biệt, ông đã vận động hai gia đình cựu chiến binh Lê Văn Cận và Lê Văn Hải phá 10m tường rào để con đường của thôn được thẳng và rộng.

Hiện tại, là nạn nhân chất độc da cam, ông Mói cũng tham gia Ban Chấp hành Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thường Tín. Với cương vị Chủ tịch Hội, ông Mói thường xuyên liên lạc và hỗ trợ các đồng đội cũ trong đời sống hằng ngày. Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập Quân đội nhân dân, Tết Nguyên Đán… người dân trong vùng lại thấy cựu chiến binh Lê Xuân Mói đi vận động ủng hộ để có những suất quà tặng nạn nhân chất độc da cam trong xã.

Tương tự, với cựu chiến binh Đặng Đình Chiến, sau quãng thời gian công tác tại Ủy ban nhân dân phường, khi nghỉ hưu, ông Chiến về sinh hoạt ở Tổ dân phố 11, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Năm 2017 ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ cho tới nay. Đáng chú ý, với vai trò là Bí thư Chi bộ, bản thân ông Chiến luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm “miệng nói tay làm”, sâu sát, gần gũi với bà con khu phố, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Còn nhớ khi quận Long Biên có dự án mở đường rộng 40m, kéo dài từ cầu Đông Trù nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đoạn đường này đi qua địa bàn Tổ dân phố 11, có 34 hộ dân và một số cơ quan nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Bí thư Đặng Đình Chiến đã cùng với cấp ủy và chi bộ chủ động vận động nhân dân giải phóng mặt bằng. Cá nhân ông Chiến đã đi từng nhà vận động các hộ gia đình là đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu giải phóng mặt bằng trước. Chính nhờ sự cố gắng thầm lặng đó, tổ dân phố đồng thuận, góp phần trực tiếp giúp công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thuận lợi.

Năm 2022, cựu chiến binh Đặng Đình Chiến đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đóng góp tích cực cho sự phát triển Thủ đô; Giấy khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên về những đóng góp xuất sắc trong công tác mặt trận.

48 năm trôi qua, thời gian đã phủ bạc lên mái tóc xanh của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ ngày ấy. Trò chuyện với những cựu chiến binh bản thân người viết càng thấy tự hào về ý nghĩa lịch sử của Ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm ấy. Để viết nên trang sử vẻ vang đó, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương, bao lớp người đi trước đã ngã xuống, nhiều người trở về đã chẳng còn lành lặn. Trời ngả dần về chiều, trước khi chia tay, những cựu chiến binh đều nhắn nhủ với tôi rằng, niềm vui sướng lớn nhất của họ là thấy đất nước ngày một phát triển, thấy được lớp trẻ hăng say xây dựng, phát triển kinh tế địa phương…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật