Đi hỏi vợ nhưng bị phản đối, người đàn ông không biết mặt cha quyết đi tìm máu mủ, 50 tuổi mới rõ gốc gác

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà của vợ anh Tâm từng không đồng ý cho cháu cưới vì hai người cùng họ. Lúc đó, anh rất muốn tìm được gốc gác, muốn chứng minh mình là người của dòng họ Bùi Đình chứ không phải họ Nguyễn.
Đi hỏi vợ nhưng bị phản đối, người đàn ông không biết mặt cha quyết đi tìm máu mủ, 50 tuổi mới rõ gốc gác
Bà Lê Thị Cúc.

Đứa trẻ không biết mặt cha

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông Bùi Đình Biên (quê ở Hải Phòng) vào đóng quân ở Quảng Trị, nảy sinh tình cảm với bà Lê Thị Cúc. Ông bà có với nhau một người con trai, ông Biên đặt tên cho con là Bùi Đình Nam.

Khi Nam được 3 tháng tuổi, ông Biên về thăm, cắt tóc cho con trai. Ông dặn dò bà Cúc rằng nếu mai đây bình an trở về, ông sẽ cùng bà nuôi con. Còn nếu không có tin tức gì nữa thì bà hãy cố gắng cố gắng nuôi dạy con nên người.

Ông Biên nói với bà Cúc rằng quê ông ở Hải Phòng, nơi có nghề dệt len. Trước khi rời đi, ông cũng để lại một cuốn sổ, ghi họ tên của hai cụ thân sinh. Kể từ đó, mẹ con bà Cúc không gặp lại ông Biên nữa. Tuy nói với bà Cúc rằng mình chưa có gia đình, nhưng thực tế ông Biên đã có vợ, con ở quê nhà.

chiến tranh kết thúc, ông Biên trở về quê. Sau này, ông nói với vợ (chính thức) là bà Nguyễn Thị Ngoạn (hiện 80 tuổi) rằng mình có một người con trai ở Quảng Trị, tên là Bùi Đình Nam. Bà Ngoạn không trách giận chồng, còn động viên ông đi tìm con.

Tuy nhiên thời điểm đó, ông Biên ốm đau liên tục nên việc tìm con tạm gác lại. Hơn nữa, ông cũng sợ lỡ đâu bà Cúc đã có gia đình riêng, nếu ông vào tìm sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mẹ con bà.

Năm 1996, ông Biên qua đời vì căn bệnh ung thư phổi, năm ấy mới 57 tuổi. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông khóc nước mắt giàn giụa, dặn bà Ngoạn cố gắng đi tìm con giúp mình.

Lời trăng trối của người chồng quá cố là điều khiến bà Ngoạn đau đáu bao nhiêu năm qua. Bà nhờ người anh em làm công an liên hệ vào Quảng Trị tìm giúp thì được biết, mẹ con bà Cúc đã đưa nhau đi khỏi địa phương từ rất lâu rồi.

Anh Tâm luôn mong mỏi tìm được thân nhân suốt bao năm qua.

Tôi không trách ông ấy, chiến tranh mà. Thời gian ông ấy ốm, tôi vẫn bảo nếu ông khỏe lại, tôi sẽ cùng ông đi tìm con, chị em gặp nhau nói câu chuyện câu trò, cảm ơn bà ấy vì cho mình thêm một thằng con trai. Tuy rằng mình không sinh ra con, nhưng nó cũng là giọt máu của ông ấy, rồi còn anh em chúng nó nữa. Giờ đi đâu tôi cũng vẫn bảo mình có một đứa con trai ở trong miền Nam. Tôi rất mong con nhưng không biết đi tìm ở đâu”, bà Ngoạn nói.

Anh Bùi Đình Nam sau này được mẹ đặt cho cái tên khác là Nguyễn Văn Tâm. Năm 1980, khi anh Tâm 6 tuổi, bà Cúc dẫn anh cùng hai con của người chồng trước vào Bình Thuận làm kinh tế mới, sinh sống bằng nghề trồng lúa. 10 năm sau, anh Tâm theo cậu vào Bình Phước làm công nhân công ty điều. Anh hiện đã có vợ và hai con, làm nghề thợ sửa điện nước.

Bà Ngoạn không giận chồng chuyện ông có con riêng. Bà cũng rất muốn tìm được anh Tâm theo lời trăng trối của chồng.

Bao năm qua, anh Tâm là người con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Anh thương mẹ đã vất vả, cực khổ, thiệt thòi nên không bao giờ dám cãi nửa lời hay làm điều gì để bà cảm thấy buồn.

Bà Cúc bảo, anh Tâm rất giống bố, giống từ khuôn mặt, dáng người, chân tay, thậm chí cả nét chữ. Bản thân bà rất muốn đi tìm cái gốc cho con, nhưng những gì ông Biên để lại quá ít ỏi, nên bà chẳng biết ở đâu mà tìm.

"Gặp được anh em thì tôi cư xử đúng mực thôi. Vợ của bố thì tôi cũng coi như là mẹ của mình”

Lần đầu anh Tâm nghĩ đến việc tìm bố là khi anh ra Quảng Nam xin nhà gái cho cưới vợ. Chị cùng làm công nhân với anh. Vì cùng họ Nguyễn nên bà của chị bảo anh Tâm rằng: “Cùng họ thì không cho lấy”. Do đó, anh muốn chứng minh rằng mình mang họ Bùi Đình ở ngoài Bắc, chứ không phải họ Nguyễn. Đó là năm 1996, trùng hợp cũng là năm ông Biên qua đời.

50 tuổi, anh Tâm mới tìm được nguồn cội.

Anh và người chú có nhiều nét giống nhau.

Năm 2004, vợ chồng anh Tâm sinh bé trai. Anh chị bắt đầu nghĩ đến đến việc phải hành động để tìm được dòng họ bên nội. Bao năm nay, anh Tâm nghe ngóng tin tức để đi tìm bố nhưng vì điều kiện nên việc tìm kiếm chưa đâu vào đâu, chưa đem lại kết quả khả quan.

Có một thời gian, anh Tâm cũng chờ đợi bố đi tìm mình, nhưng chờ mãi mà không thấy. Anh quyết định gửi thư về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để bày tỏ mong muốn nhờ tìm người thân. Anh cũng hy vọng, bố có xem tivi thì sẽ nhận ra mình.

Bà Ngoạn, bà Cúc gặp nhau trong sự mừng vui, xúc động.

Tôi muốn đi tìm để biết rõ ràng nguồn gốc của mình. Tôi không trách bố. Tôi muốn kiếm tiền để dành dụm đi tìm, đi về đó (Hải Phòng) xác nhận dòng họ của mình. Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ mình là người của gia đình họ rồi, nên cũng không sợ chuyện người ta có đón nhận mình hay không. Gặp được anh em thì tôi cư xử đúng mực thôi. Vợ của bố thì tôi cũng coi như là mẹ của mình”, anh Tâm xúc động nói.

Nguyện vọng bao năm trở thành hiện thực khi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã giúp anh Tâm tìm được gia đình bên nội ở xã Tân Viên, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Cả gia đình gặp nhau trong sự vui mừng, hạnh phúc, bao dung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật