Cụ thể, có xóm quy định cả trẻ em trên 6 tháng tuổi, hộ nghèo, người già 80 tuổi cũng phải đóng góp với mức 950.000 đồng/người để xây dựng đường bê tông vào trong xóm. Nhóm phóng viên đã về địa phương ghi nhận thực tế và thông tin để bạn đọc rõ.
Theo phản ảnh của người dân tại xã Xuân Lập, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, UBND xã giao mỗi xóm tự xây dựng đường bê tông vào trong xóm. Số tiền dùng để xây dựng đường bê tông được huy động từ sự đóng góp của người dân và nguồn vốn xã hội hóa. Chủ trương này được người dân trong xã đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, quá trình triển khai xây dựng nhà văn hóa, các xóm lại đề ra mức thu quá cao và không đồng đều. Ví dụ, có xóm thu 950.000 đồng/nhân khẩu, nhưng có xóm lại thu tới 1.000.000 đồng/nhân khẩu. Cá biệt, ở xóm Vũ Thượng, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), việc thu này còn áp dụng với cả người già, trẻ em và hộ nghèo.
Ông Trần Văn M, ở xóm Vũ Thượng, xã Xuân Lập bức xúc cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ khó khăn, có bố mẹ già, thế nhưng vẫn phải đóng góp 950.000 đồng/khẩu để xây dựng đường bê tông. Số tiền này vượt quá sức đóng góp của gia đình tôi".
Cùng nỗi bức xúc, chị Nguyễn Thị T cho biết: “Các cháu nhà tôi mặc dù chưa đến 6 tuổi nhưng vẫn có tên trong danh sách phải nộp tiền, khi nộp tiền chỉ được ký vào sổ thu chứ không hề có phiếu thu. Cán bộ xóm còn bảo rằng, không đóng tiền thì sau này nếu có việc phải xin giấy tờ ở UBND xã sẽ không được cấp”.
Cũng theo phản ánh của một số người dân tại xóm Vũ Thượng, giá cát, đá và nhân công để làm đường bê tông vào trong xóm có giá khá cao, chênh 40% so với giá trên thị trường. Cụ thể, cát tốt loại 1 để đổ đường bê tông hiện trên thị trường có giá 270 nghìn đồng/khối (thời điểm giá cát lên cao). Thế nhưng khi kê khai để làm đường thì được cán bộ thôn báo giá lên tới 400 nghìn đồng/khối. Tương tự giá nhân công thời điểm hiện tại rơi vào khoảng 180 nghìn/người/ngày công, nhưng được chính quyền xóm kê khai đến 285 nghìn/người/ngày công.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, “Địa phương chúng tôi đang xây dựng NTM nâng cao, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành. Tại xóm Vũ Thượng có quy định cả trẻ em trên 6 tháng tuổi, hộ nghèo, người già 80 tuổi cũng phải đóng góp với mức 950.000 đồng/người để xây dựng đường bê tông vào trong xóm trên thực tế là đúng. Thế nhưng quan điểm của UBND xã là giao cho các xóm tự chủ trong việc xây dựng đường bê tông, nhưng phải phù hợp và có sự đồng thuận của nhân dân, không chạy theo thành tích dẫn đến việc thu quá sức dân”.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của phóng viên về việc cán bộ xóm Vũ Thượng thu 950.000 đồng/khẩu để xây dựng đường bê tông, áp dụng với cả trẻ nhỏ, hộ nghèo, người già, ông Hải giải thích: "Chúng tôi chỉ nắm được thông tin báo cáo từ các xóm là có mức thu như vậy, nhưng không nắm được thu những đối tượng nào?" Sau khi xác nhận thông tin phóng viên nêu là đúng, ông Lê Đình Hải nói sẽ tiến hành kiểm tra, có hướng khắc phục và sẽ sớm chấn chỉnh lại việc lạm thu trên.
Số tiền đóng góp cho việc xây dựng NTM quá cao khiến nhiều người dân bức xúc - Ảnh: Mạnh Nghiệp
Được biết, tại Khoản 3, Mục V, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: "Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua”. Còn tại Điểm g, Khoản 5, Mục V, Quyết định số 1600/QĐ-TTg quy định: “Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa phương. Cộng đồng và người dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị hội đồng nhân dân xã thông qua”.
Phát huy sức dân trong xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, để việc xây dựng NTM thực sự phát huy hiệu quả thì mỗi địa phương cần tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định của Pháp Luật, phát huy sức dân trên tinh thần tự nguyện và phù hợp với điều kiện thực tế. Việc lạm thu, thu không đúng đối tượng ở một số xóm thuộc xã Xuân Lập cần nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh từ UBND huyện Thọ Xuân, UBND tỉnh Thanh Hóa để lấy lại niềm tin của người dân địa phương.