Trước đó, bà N.T.Q (69 tuổi) quê ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng sốc mất máu kèm cẳng tay phải bị đứt gần lìa do máy cưa cắt. Thời gian từ khi nạn nhân bị cưa cắt đến nhập viện khoảng 2 giờ.
Tại phòng mổ, các bác sĩ vừa tiến hành truyền máu, hồi sức tích cực, vừa phải cắt lọc và làm sạch vết thương do nhiều dị vật như: đất, đá, mảnh gỗ, mùn cưa. Sự phối kết hợp nhanh chóng, nhịp nhàng giữa các bác sĩ liên chuyên khoa Ngoại lồng ngực, tim mạch-Gây mê hồi sức-Ngoại chấn thương chỉnh hình để tiến hành phẫu thuật cho người bệnh nhanh nhất có thể.
Các kỹ thuật khó và phức tạp lần lượt được thực hiện nhằm giữ lại phần tay bị đứt gần lìa cho người bệnh như: kết hợp xương bằng nẹp vít để giữ trục chi; tiến hành vi phẫu nối mạch chi bao gồm 2 động mạch quay, động mạch trụ, tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền; tiến hành vi phẫu khâu nối thần kinh và gân cơ cho bệnh nhân. Sau 6 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân huyết động ổn định và cẳng tay được khâu nối thành công.
Theo các bác sĩ, công tác chăm sóc vết thương sau mổ cũng khá phức tạp. Bác sĩ đã dùng liệu pháp chống đông máu để duy trì lưu thông mạch máu và sử dụng hệ thống hút áp lực âm liên tục để điều trị khuyết hổng phần mềm còn lại vùng cẳng tay. Khi khuyết hổng phần mềm lên mô hạt tốt, các bác sĩ tiếp tục tiến hành phẫu thuật điều trị theo phương pháp căng giãn da.
Sau 1 tháng điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, vết thương trên tay người bệnh được khâu kín lại hoàn toàn. Hiện tại, cẳng tay được cứu sống hồi phục một phần về cảm giác cũng như vận động. Tay bệnh nhân cảm nhận được cảm giác đau và nóng lạnh, có cử động được cổ bàn và các ngón tay. bệnh nhân được ra viện khi các thao tác cũng như cảm giác sâu của cẳng tay phải đang trong tiến trình phục hồi tốt.
Theo các bác sĩ, sự thành công của việc khâu nối chi trên phụ thuộc vào mức độ thương tổn, dập nát của chi, bên cạnh đó là thời gian vàng để cứu chi là trong vòng 6 giờ đầu sau tổn thương.