Cách chuẩn bị mâm cúng và bài cúng Rằm tháng 8 theo văn khấn cổ truyền

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vào ngày Tết Trung thu (15/8 Âm lịch), các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ thật tươm tất để dâng lên cúng, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình.
Cách chuẩn bị mâm cúng và bài cúng Rằm tháng 8 theo văn khấn cổ truyền
Ảnh minh họa

Tết Trung thu là một trong những ngày lễ lớn trong văn hóa truyền thống của người Việt. Tết Trung thu rơi vào ngày Rằm tháng 8, tức 15/8 Âm lịch. Theo dương lịch, Tết Trung thu 2021 vào thứ Ba ngày 21/9.

Không chỉ là ngày lễ dành cho trẻ em, Tết Trung thu còn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum họp, quây quần chuẩn bị mâm cỗ cúng dâng lên gia tiên để tỏ lòng thành kính. Bên cạnh đó cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để vào lúc trăng lên cao, cả nhà sẽ quây quần dưới ánh trăng cùng phá cỗ Trung thu.

Theo truyền thống, mâm cúng gia tiên có thể chuẩn bị giống với nhiều dịp khác như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 với các món như:

Bánh kẹo, xôi gấc (hoặc xôi đỗ, xôi cốm...), trầu cau, hoa tươi, đĩa hoa quả gồm 5 loại quả, tiền vàng, hương, đèn, nến, 1 chén rượu, 1 chén trà, 1 chén nước, 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối...

Gia đình có thể chuẩn bị thêm 1 mâm cơm cúng lễ. Mâm cơm cúng lễ có các món ăn gia đình hàng ngày, các món ăn đơn giản để dâng lên tổ tiên thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính. Các món ăn mặn hoặc chay tùy thuộc vào điều kiện của từng nhà. Ngoài ra, mâm cúng còn phải có bánh nướng và bánh dẻo, là 2 món bánh đặc trưng cho dịp Trung thu.

Tuy nhiên với những gia đình không có nhiều điều kiện và thời gian hạn hẹp, có thể chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày Rằm.

Một mâm cỗ Trung thu với các loại hoa quả được cắt tỉa đẹp mắt. (Ảnh: Internet)  

Còn mâm cỗ trông trăng thông thường sẽ không cần bày lên ban thờ mà chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng, có thể để trong nhà hoặc ngoài sân. Mâm cỗ thường sẽ có những loại hoa quả, trái cây như:

Nải chuối chín, quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành), quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ), quả na (mang ý nghĩa sinh sôi), quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn), bánh nướng, bánh dẻo, trà (để thưởng thức với bánh nướng, bánh dẻo), các loại bánh kẹo, bim bim,... Chú ý nên chọn các loại hoa quả có đủ 3 màu vàng, xanh, đỏ để mang ý nghĩa cân bằng âm, dương. 

Các loại đèn trang trí bày cùng mâm bánh trái gồm đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, đèn con thỏ…

Tùy vào thẩm mỹ, độ khéo léo của từng người mà mỗi gia đình sẽ có cách bày mâm cỗ khác nhau sao cho hấp dẫn, đẹp mắt nhất.

Ngoài ra, để lễ cúng diễn ra tươm tất các bạn có thể tham khảo bài cúng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin:

Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy cao tằng Tổ khảo, cao tằng Tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là: … Tuổi: …

Ngụ tại: …

Hôm nay là ngày Rằm tháng 8 gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại …, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật