Trung Quốc nói gì về B-21 của Mỹ?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Báo Trung Quốc tự tin đánh giá B-21 là ’đối thủ’ của mẫu máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20 mà Bắc Kinh cũng đang phát triển.
Trung Quốc nói gì về B-21 của Mỹ?
Hình ảnh đồ họa B-21 Raider mới được Không quân Mỹ công bố

Tự nhận đối thủ của H-20

Ngày 6/7 vừa qua, Mỹ đã cho công bố hình ảnh của máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Không quân Mỹ cho biết, máy bay được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ thông thường hay hạt nhân tầm xa và hoạt động trong môi trường rủi ro cao trong tương lai. B-21 được không quân Mỹ coi là “một thành phần linh động trong bộ ba hạt nhân”.

Randall Walden, Giám đốc Văn phòng Phản ứng Nhanh Không quân Mỹ, nêu rõ: “Tính năng tích hợp trong thiết kế hệ thống mở của B-21 giúp máy bay ném bom này hoạt động hiệu quả trong các điều kiện thay đổi và môi trường tiềm ẩn đe dọa… Hướng đi này là đúng đắn để đảm bảo năng lực vận hành lâu dài trên không”.

Đáng chú ý, báo chí Trung Quốc đã có những bình luận về thông tin từ phía Mỹ, trong đó coi động thái của Washington là nhằm “đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hiện đại hóa quân sự mà Trung Quốc và Nga thúc đẩy”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng còn tự tin đánh giá B-21 là “đối thủ” của mẫu máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20 mà Trung Quốc cũng đang phát triển.

Tờ báo Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng “cấu trúc hệ thống mở” của máy bay ném bom sẽ cho phép vũ khí này tương tác với các nền tảng vận hành máy bay và hệ thống vũ khí tiên tiến khác, vốn được thiết kế cho chiến tranh hiện đại. Theo đó, “môi trường đe dọa” không ngừng dường như là ám chỉ Nga và Trung Quốc.

Một chuyên gia quân sự được dẫn lời nói: “Cũng có thể hình dung rằng B-21 được coi như là một đối thủ với máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20 mà Trung Quốc dự định đưa vào hoạt động trong năm tới, kế hoạch này có thể đã thúc đẩy chương trình B-21”.

Trung Quốc từng tuyên bố phát triển máy bay ném bom tầm xa H-20 từ năm 2016, song chưa công bố bất kỳ hình ảnh nào của vũ khí này cũng như thời điểm dự kiến phiên chế cho quân đội. Theo một số thông tin, máy bay này dự kiến được trang bị tên lửa hạt nhân và thông thường, đồng thời là một phần của "bộ ba hạt nhân" của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Một hình ảnh được đăng tải trên mạng được cho là của H-20

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng chi phí sản xuất mỗi chiếc B-21 vào khoảng 639 triệu USD. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết B-21 có giá 550 triệu USD mỗi chiếc.

Mỹ dự kiến sản xuất khoảng 100 chiếc B-21 để thay thế B-2 và B-1 Lancers. Một mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa khác là B-52 Stratofortress, đang được nâng cấp để có thể tiếp tục vận hành cho tới những năm 2050.

Tờ báo Trung Quốc dẫn lời chuyên gia có tên Châu Thần Minh ở Bắc Kinh nhận định: “Do chi phí mua sắm và vận hành máy bay ném bom B-21 sẽ thấp hơn nhiều so với máy bay B-2 và B-52, vì vậy hoàn toàn có thể dự đoán rằng mẫu máy bay ném bom mới sẽ được điều đến khu vực thường xuyên hơn và ở quy mô lớn hơn so với các ‘đàn anh’ khi được phiên chế cho Không quân Mỹ”.

Người Nga là nỗi ám ảnh của tàng hình Mỹ

Về phía Mỹ, dư luận nước này tuy cũng đề cập tới Trung Quốc, song dường như dành sự quan tâm lớn hơn tới Nga. Theo tạp chí Popular Mechanics, B-21 Raider được gọi là sát thủ của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga. Tạp chí này nhấn mạnh, phát triển B-21 Raider là do "căng thẳng với các cường quốc hạt nhân, những nước như Nga và Trung Quốc".

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cần, bà Darlene Costello cho biết nhà thầu Northrop Grumman đã hoàn thành 2 chiếc B-21 Raider đầu tiên tại nhà máy ở thành phố Palmdale (California) và sẽ sớm cho thử nghiệm tại căn cứ Edwards.

Không quân Mỹ từng nhiều lần công bố hình ảnh B-21

Theo báo chí Mỹ, mẫu máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới được định danh là "B-21" nhằm ám chỉ đây là máy bay ném bom đầu tiên của thế kỷ 21. Trong khi đó, tên gọi "Raider" để vinh danh một chiến dịch có tên Doolittle Raiders, do Trung tá James Doolittle chỉ huy 16 máy bay ném bom B-25 và 80 thành viên phi hành đoàn từ một tàu sân bay ở phía tây Thái Bình Dương không kích Tokyo (18/4/1942) trong Thế chiến II.

B-21 sử dụng 4 động cơ Pratt & Whitney PW9000, có sải cánh 35-40m, trọng lượng cất cánh 100 tấn, tốc độ bay cận âm (thấp hơn B-2 Spirit). B-21 được cho là có khả năng bất ngờ xâm nhập lãnh thổ đối phương, tấn công bằng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân rồi rời đi trước khi đối phương kịp nhận ra sự xuất hiện của nó.

Một trong những điểm đáng chú ý là B-21 có thiết kế kiểu module, giúp nó có thể được hiện đại hóa dễ dàng và với chi phí thấp. B-21 sẽ được tích hợp công nghệ tàng hình hiện đại, tầm hoạt động xa và mang theo nhiều chủng loại vũ khí.

Hiện có đánh giá cho rằng Mỹ sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào B-21, biến nó trở thành phương tiện chiến đấu chiến lược có khả năng tự hành bán phần hoặc hoàn toàn.

B-21 được cho là có trang bị hệ thống cảm biến, kết nối mạng chỉ huy trung tâm giúp tăng khả năng tác chiến và đối phó tình huống trên chiến trường, giúp nó có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ nào, kể cả S-400 hay sắp tới là S-500 của Nga.

Máy bay tàng hình F-117A Nighthawk của Mỹ từng bị tên lửa cũ của Liên Xô bắn hạ trên bầu trời Nam Tư năm 1999

Trong khi đó, vũ khí phi hạt nhân của B-21 gồm có các tên lửa hành trình không đối đất JASSM-ER và bom GBU-31 dẫn đường bằng GPS, bom GBU-57A/B có khả năng phá hủy các tầng bê tông cốt thép ở độ sâu 19m và mặt đất 61m. vũ khí hạt nhât tích hợp cho B-21 có thể gồm tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa (LRSO) thế hệ mới nhất và bom nhiệt hạch B61-12.

Hiện chưa rõ khả năng “tàng hình” cũng như tiến bộ “đỉnh cao” của B-21 như thế nào, song người Nga chắc chắn đã và đang có những bước đi riêng nhằm đối phó. Chính Trung tâm phân tích RAND của Mỹ từng công bố báo cáo cho thấy khả năng tàng hình của lực lượng không quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng cao, song khó có thể thoát khỏi các hệ thống phòng không của Nga.

Người Mỹ hẳn chưa quên sự kiện ngày 27/3/1999 khi chiếc máy bay “tàng hình” F-117A Nighthawk bị bắn rơi trên bầu trời Nam Tư. Chi tiết đáng nói là F-117A bị bắn hạ bằng loại tên lửa phòng không S-125 do Liên Xô sản xuất vào những năm 1960 và chuyển giao cho Nam Tư đầu những năm 1980.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật