Dân nghèo Hà Tĩnh trắng tay sau cơn “đại hồng thủy”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những bao lúa được người dân một nắng hai sương mới làm ra, chỉ trong phút chốc bị lũ nhấn chìm. Đàn gà, vịt hàng trăm con, sau một đêm cũng trôi theo con nước lớn.
Dân nghèo Hà Tĩnh trắng tay sau cơn “đại hồng thủy”
Ba hồ cá của ông Lê Đình Tường bị nước lũ cuốn trôi.

Xem Video: ’Trắng tay’ sau 30 năm gửi tiết kiệm

 

20h tối 18/10, vợ chồng ông Lê Đình Tường (61 tuổi, trú thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ) nằm trong căn nhà cấp 4 ở trang trại Cồn Gát nghe nước chảy rì rào. Nghĩ rằng, chưa có cơn lũ nào chạm đến chân thềm nên hai vợ chồng ông yên tâm nằm ngủ.

Gần 1h sau đó, nước tràn vào chân giường, hai vợ chồng ông hốt hoảng chạy đến khu vực đê lánh nạn.

Trong đêm tối, vợ chồng ông quặn lòng khi nghe tiếng tiếng vật nuôi kêu nháo nhác vì lũ cuốn.

Trang trại của gia đình ông Tường tại khu vực Cồn Gát (xã Cẩm Duệ) sau khi lũ rút.

Giờ đây, vợ chồng ông Tường cùng người con dâu dọn dẹp lại nhà cửa, phun thuốc diệt khuẩn và mang những bao thóc đã mọc mầm lên mặt đê phơi.

Khuôn mặt ông nhăn nheo, nay càng khắc khổ hơn khi cơn lũ vừa qua đã cuốn trôi của gia đình gần 800 con vịt đẻ trứng, khoảng 100 con gà và 3 hồ cá nuôi.

“Gần như mất trắng, 1.200 con vịt giờ còn lại ba bốn trăm con, 3 hồ cá cũng theo lũ trôi đi mất. Bao nhiêu vốn liếng nhà tôi bị nước cuốn gần hết”, ông Tường nói.

Ông Tường chỉ về nơi chôn đàn gia cầm chết vì nước lũ 

Ông cho biết, khu vực xã Cẩm Duệ, đặc biệt là phía hữu ngạn tuyến đê dẫn nước từ hồ Kẻ Gỗ về xuôi ít khi ngập lụt. Năm 2010, được xem là lũ nặng nhất nhưng nước cũng chỉ mới ngấp nghé vào nền nhà nên đợt lũ này ông chưa chủ động ứng phó.

“Tối đến, đàn vịt 1.200 nhốt vào 2 chuồng, nước dâng quá nhanh ập vào chuồng khiến vịt dồn lại một góc dẫm đạp nhau mà chết. Trong 3 hồ cá thì trước lũ gia đình tôi đánh bắt mới được một nửa hồ, bán được 25 triệu đồng, hai hồ còn lại chưa kịp thu hoạch cũng bị nước lũ cuốn trôi” - ông Tường nói.

Vợ ông Tường buồn bã vì tài sản của gia đình tiêu tan sau cơn lũ

Theo ông Tường, sau khi lũ rút dần, sợ đàn vịt chết ảnh hưởng đến môi trường nên ông nhờ một số người dân đưa vịt ra chôn lấp. Ước tính tổng thiệt hại do lũ gây ra với gia đình ông khoảng 200 triệu đồng.

Vợ ông Tường ngồi bên nghe chuyện than thở: “Vợ chồng tôi tuổi cũng đã nhiều nên làm mô hình trang trại nhỏ sống qua ngày. Số tài sản trên hai vợ chồng tôi lấy ngắn nuôi dài gây dựng nhiều năm qua. Giờ gây dựng lại trại, chúng tôi phải đi mượn tiền, không biết khi nào mới trả được nợ”.

"Đi vay để sinh sống, đợi mùa thóc tới trả"

Trời hửng nắng, bà Trần Thị Hương (53 tuổi, trú thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành) đưa những bao thóc bị ngâm trong nước lũ ra phơi. Nhìn những hạt thóc đã mọc mầm, bà Hương thẫn thờ nói: “Mất hết rồi chú ạ, thóc hỏng cả, tới đây không biết lấy gì mà ăn”.

Thóc nảy mầm, gia đình bà Hương đành phơi để làm thức ăn cho lợn

Suốt 4 ngày lũ vào nhà, gia đình bà Hương sống trên một chiếc thuyền nhỏ neo vào xà nhà. Nước dâng đến đâu nâng thuyền lên cao tới đó, cả gia đình bà chỉ biết ngồi im, không dám chèo thuyền ra ngoài vì thuyền nhỏ sợ nước cuốn trôi.

Trước khi nước dâng 1,5 tấn thóc được vợ chồng bà kê lên cao hơn nền nhà khoảng 1m. Song, do lũ quá lớn làm toàn bộ số thóc trên đều bị ngập trong nước.

“1,5 tấn thóc này, chúng tôi tích trữ ăn dần đến sang năm sau, ai ngờ lũ đến hỏng hết cả” – bà Hương nghẹn ngào nói.

Một người dân ở xã Cẩm Thành kê xe máy lên cao tránh nước lũ

Nhà dân ở xã Cẩm Thành vẫn bị ngập trong nước lũ.

Những bao thóc được người dân đóng cẩn thận bị nước lũ cuốn trôi

Hỏi về cuộc sống của gia đình những ngày tiếp theo, bà Hương nhìn bâng quơ ra cách đồng mênh mông nước thở dài: “Tôi đành vay mượn sinh hoạt tạm, đợi mùa thóc tới trả”.

Cùng nỗi mất mát, bà Trần Thị Tuyết (thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành) cho biết, nước lũ vào nhà hơn 2m nên các vật dụng trong nhà đều hư hỏng hết, ngay cả chiếc máy cày gia đình dùng làm kế sinh nhai không di chuyển kịp cũng bị lũ nhấn chìm.

Thóc ngâm nước nhiều ngày bắt đầu mọc mầm

Một người dân xã Cẩm Thành tranh thủ phơi thóc lúc trời hửng nắng.

Tính riêng huyện Cẩm Xuyên, theo thống kê sơ bộ mưa lũ gây thiệt hại cho địa phương này là hơn 1.100 tỷ đồng. Một người đã t‌ử von‌g, 27 người bị thương, gần 11.500 tấn thóc bị cuốn trôi và hơn 400.000 gia súc, gia cầm bị chết.

“Không chỉ gia đình tôi, cả làng này lũ vào nhà ai cũng bị ảnh hưởng nặng nề cả. Gia đình nào có nhà 2 tầng chứa đồ đạc còn đỡ, chứ nhà cấp 4 là không còn gì”, bà Tuyết nói.

Dọc các tuyến đường lớn vào xã Cẩm Thành, không hiếm cảnh những bao thóc được đóng gói cẩn thận nằm ngổn ngang trong nước lũ. Bao công sức của người dân quê nghèo phút chốc chìm trong lũ dữ.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật