Hưng Hải tăng tốc các dự án điện mặt trời tại Bình Phước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
5 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) bao gồm Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5 do Tập đoàn Hưng Hải đầu tư tại Bình Phước đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể chạy thử vào cuối tháng 11 và vận hành thương mại vào cuối tháng 12-2020.
Hưng Hải tăng tốc các dự án điện mặt trời tại Bình Phước
Thi công đường dây truyền tải tại Lộc Ninh

Giai đoạn 1 của 5 dự án này có tổng công suất 800 Mgp, nằm trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây cũng là dự án ĐMT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai. Sau khi hòa lưới điện quốc gia, hàng năm, các nhà máy ĐMT này sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh Bình Phước hơn 400 tỷ đồng (khoảng 5% tổng thu ngân sách của Bình Phước).

Hoạt động thi công dự án đang được triển khai nhanh chóng để đạt các yêu cầu tiến độ. Bên cạnh việc xây dựng 5 nhà máy, Tập đoàn Hưng Hải cũng trực tiếp đầu tư đường dây truyền tải 220 KV Lộc Ninh - Bình Long 2 dài 29km. Những móng trụ cuối cùng của tuyến đường dây này cũng đang được hoàn thiện để đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của các nhà máy. 

Ép cọc bê tông thi công giá đỡ pin mặt trời tại nhà máy ĐMT Lộc Ninh

Dự kiến, phần thi công giá đỡ pin mặt trời sẽ hoàn thành vào tháng 8-2020 và các công việc lắp đặt tấm pin với 5000 lao động sẽ được triển khai để đảm bảo hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành nhanh nhất. 

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Hưng Hải cho biết: “Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 22-5-2020) quy định về giá mua điện cho các dự án ĐTM đến ngày 31-12-2020 chúng tôi đẩy nhanh quá trình thi công để kịp đóng điện đúng tiến độ. Đến nay, chúng tôi đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục kỹ thuật, xây dựng đường dây truyền tải điện từ các nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia. Từ nay đến cuối năm 2020, lượng tài chính đầu tư vào xây dựng các nhà máy ĐMT rất lớn. Hiện nay, một số ngân hàng đã thẩm định và đồng ý đầu tư trái phiếu hơn 3.000 tỷ đồng cho dự án ĐMT Lộc Ninh 4, 5”.

Hiện tại, Tập đoàn Hưng Hải cũng đang hợp đồng với Tập đoàn Super energy Technology bỏ vốn trước thi công các dự án ĐMT ở Lộc Ninh theo hình thức “Hợp đồng giao tổng thầu - chìa khóa trao tay”, với giá trị vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. 

Là tỉnh miền núi ở phía tây Đông Nam Bộ, Bình Phước đã thực hiện nhiều dự án thủy điện như: Thác Mơ, Cần Đơn, Sók Phu Miêng, Đắk Gun… Đầu tháng 11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc bổ sung dự án ĐMT Lộc Ninh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tại Lộc Ninh được quy hoạch các ĐMT với quy mô 800 MWp.

Vùng đất dự án xây dựng ĐMT ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là rừng khộp, đất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp. Vùng đất này trước đây được giao cho các doanh nghiệp trồng cây cao su nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ngược lại, đây là vùng đất có cường độ bức xạ mặt trời cao so với nhiều nơi khác, rất thuận lợi cho phát triển ĐMT. Được sự kêu gọi đầu tư của tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Hưng Hải đã khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng 5 nhà máy điện mặt trời tại huyện Lộc Ninh.

Ngay từ cuối năm 2018, Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để truyền tải điện từ các nhà máy ĐMT trên địa bàn huyện Lộc Ninh với hệ thống điện lưới quốc gia với tổng đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, đường dây này có thể truyền tải 2600 MWp. Song song với đó, Tập đoàn Hưng Hải cũng triển khai các công việc để giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng 5 nhà máy ĐMT Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: "Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất quy hoạch chuyển đổi một phần diện tích đất xấu, đất sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả sang đất thực hiện các dự án ĐMT. Chủ trương của tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận và phê duyệt. Khi đi vào khai thác, các dự án ĐMT hằng năm cho Bình Phước một lượng điện sạch khá lớn hòa vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, dự án ĐMT do Tập đoàn Hưng Hải đầu tư khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp khoảng 5% cho ngân sách tỉnh. Đây là nguồn thu bền vững, do đó tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khâu giải phóng mặt bằng và đảm bảo an ninh tật tự”.

Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, việc nhanh chóng đưa thêm các dự án điện mặt trời vào khai thác là rất quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như các nhu cầu quốc kế dân sinh khác. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật