EVN không sòng phẳng với khách hàng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Luôn có những lập luận, lý lẽ riêng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra mỗi khi khách hàng than phiền về giá điện. Nhưng có khi nào EVN đóng vai khách hàng, để hỏi rằng liệu như vậy có sòng phẳng hay chưa?
EVN không sòng phẳng với khách hàng
Nhà báo Lê Xuân Thọ

Xem Video: Nắng nóng gay gắt, công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục

//

Hãy bắt đầu từ thông tin của EVN, trong tháng Năm, có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng Tư.

Đại diện EVN còn nói rằng tiền điện của các hộ tăng là có quy luật và phụ thuộc vào thời tiết. Khi vào mùa khô ở miền Nam, mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát, đặc biệt là điều hoà là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.

Nắm được quy luật ấy, nhưng sao EVN lại nhân lúc bắt đầu mùa nắng nóng mà tăng giá điện theo lũy kế 6 bậc vào hồi cuối tháng Ba năm ngoái? Phàm ở đời, nhân lúc người ta khốn khổ, nếu không chìa tay ra giúp thì thôi, chứ ai nỡ lòng nào đẩy người ta lún sâu vào cùng cực?

Huống hồ, người dân với EVN là mối quan hệ giữa khách hàng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có “sống” được hay không, có vững mạnh được hay không là nhờ khách hàng. Vậy mà khách hàng đang trong cơn chao đảo bởi dịch Covid chưa kịp dứt, lại phải thêm gánh nặng hóa đơn tiền điện.

Còn lời giải thích tiền điện gia đình tăng là do nắng nóng, có lẽ EVN nên nghĩ lại. Bởi ai mà không biết hóa đơn tiền điện sẽ tỉ lệ thuận khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Nhưng EVN giải thích sao khi nhiều người dân nói việc sử dụng các thiết bị điện tăng không bao nhiêu, mà hóa đơn tiền điện thì tăng đến 300%?

Sẵn đây, hỏi EVN luôn, khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp giảm công suất, hoạt động cầm chừng, nhưng hóa đơn tiền điện vẫn như cũ, thậm chí là cao hơn. Có lí nào thiết bị điện khi tắt đi, hoặc dùng ít lại, lại tiêu thụ điện năng nhiều hơn so với hoạt động hết công suất?

Việc làm cần mẫn nhất của EVN khi có phản ánh của khách hàng, là đi kiểm tra đồng hồ đếm chỉ số tiêu thụ điện và phần lớn kết luận đưa ra là thiết bị này ổn. Có thể nó ổn thiệt, nhưng hoài nghi của người dân về việc điều khiển chỉ số cho thiết bị này, thì ít được EVN đề cập tới. Như vậy, EVN lại không sòng phẳng với khách hàng.

Có tính toán rằng giá điện chiếm 18,2% thu nhập trung bình của người dân. Lấy ví dụ một người có thu nhập trung bình là 10 triệu đồng mỗi tháng, thì như vậy sẽ mất khoảng 1,8 triệu đồng cho tiền điện. Đó là chưa kể các khoản chi tiêu khác như ăn uống, chi phí đi làm, ma chay, cưới hỏi, chi phí con cái đi học,… thì sẽ còn lại bao nhiêu cho tích lũy cho tương lai hay ốm đau bệnh tật?

Nên nhớ thu nhập bình quân đầu người nước ta hiện nay khoảng 3.000 đô la, tương đương hơn 60 triệu đồng mỗi năm; tính ra, là khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng!

Hơn nữa, khi khách hàng phản ánh, EVN cho nhân viên đến kiểm tra, nhưng sao khi lập biên bản không có bản nào để lại cho khách hàng. Rồi khi khách hàng đòi hỏi chính đáng, thì nhân viên của EVN lại yêu cầu khách hàng cam đoan không cung cấp cho báo chí. Chỉ có phường bất minh mới sợ sệt như vậy! Và như vậy là thêm điều không sòng phẳng với khách hàng.

Nếu EVN thấy rằng việc sòng phằng với khách hàng là khó, thì hãy để một đơn vị độc lập nào đó thực hiện việc kiểm tra các thiết bị đếm chỉ số tiêu thụ điện, tất nhiên, là cả việc đếm chỉ số tiêu thụ điện.

Nếu EVN còn thấy khó, thì thôi đừng độc quyền nữa; vì khi tư nhân hóa ngành điện, chắc chắn những lời than phiền dành cho EVN sẽ dần ít đi, vì khi ấy, khách hàng đã có thêm những sự lựa chọn khác.

Không ai dại gì mà dây dưa mãi với kẻ không sòng phẳng với mình, trừ phi không có sự lựa chọn!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật