Tháo dỡ một đoạn đường gốm sứ là ‘bất khả kháng’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết việc nói 600 m con đường gốm sứ bị tháo dỡ là không đúng. Thực tế, chiều dài đoạn bị tháo dỡ chỉ hơn 300 m.
Tháo dỡ một đoạn đường gốm sứ là ‘bất khả kháng’
Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học. Ảnh: Sơn Hà.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 9/6, Phó trưởng ban Tuyên giáo Phạm Thanh Học đã đề cập đến sự việc một đoạn con đường gốm sứ ở Hà Nội bị tháo dỡ để thực hiện Dự án mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân. Ông cho rằng việc này đang được báo chí thông tin chưa đúng.

Ông nhấn mạnh việc phá dỡ là "cực chẳng đã", đây là điều bắt buộc để mở rộng con đường, thực hiện dự án.

"Đúng ra là diện tích đoạn gốm sứ khoảng 691 m2, nhưng về chiều dài chỉ khoảng 300 m thôi, không phải như báo chí nói là 600 m", Phó ban tuyên giáo Thành ủy nói.

Để triển khai theo Hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đơn vị thi công phải phá dỡ một đoạn tường gốm sứ từ nút Khách sạn Thắng Lợi đến Ngã ba Xuân Diệu để phục vụ cho việc mở rộng đường để hiện tại.

Ông Học cho hay vấn đề này Ban quản lý dự án đã họp và lấy ý kiến các sở, ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án.

"Dù nghiên cứu nhiều phương án, vẫn phải phá thay thế một đoạn để gốm sứ, vấn đề này là bất khả kháng", ông Học nói.

Ông Học cũng cho hay BQL dự án cam kết sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn, sẽ gắn lại tranh gốm sứ lên mặt tường mới và vẫn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn.

Đại diện Ban tuyên giáo Thành ủy cho rằng dù việc này gây băn khoăn, tiếc nuối cho người dân, việc xây dựng là vi mục đích chung, cần phải ủng hộ.

Ông Học cũng chia sẻ họa sĩ, tác giả của đoạn tranh gốm sứ bị tháo dỡ cũng liên hệ với ông, bày tỏ lo ngại khi đoạn tranh gốm sứ này là do Tổ chức Guiness thế giới công nhận. Ông cho rằng, sau khi hoàn thành xây dựng, vẫn có thể gắn đoạn tranh gốm sứ mới.

"Tổ chức Guiness Thế giới không phải các tổ chức quốc tế công nhận, xếp hạng công trình loại gì. Văn hóa phi vật thể, hay công trình cần bảo tồn, cái đó khác", ông nói. Ông Học cho hay đã lãm rõ các thông tin này cho tác giả của đoạn tranh bị tháo dỡ và vị họa sĩ đã "yên tâm".

Từ đầu tháng 6, đơn vị thi công dự án này đã rào chắn quanh khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu. Các đoạn tranh trên con đường gốm có chủ đề "mùa xuân", "phố cổ Bùi Xuân Phái", "Hà Nội xưa và nay" dài khoảng hơn 300 m bị tháo dỡ, gây tiếc nuối cho người dân và tác giả của đoạn tranh này. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật