Trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội nghiên cứu hải ngoại Hoa Kỳ (ASOR), một nhóm các nhà khảo cổ học do chuyên gia Glenn Schwartz của Đại học Johns Hopkins dẫn đầu đã trình bày kết quả đáng chú ý về dự án khai quật kéo dài 16 năm tại Tell Umm-el Marra, Syria. Trong đó, đáng chú ý là một ngôi mộ cổ khoảng 4.400 tuổi.
Bên trong mộ cổ này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 4 hình trụ bằng đất sét có khắc những chữ cái.
Kết quả kiểm tra niên đại của các chuyên gia chỉ ra những hình trụ bằng đất sét trên được tạo ra vào khoảng năm 2400 trước Công nguyên.
Với niên đại này, các nhà nghiên cứu nhận định những hình trụ trên là chữ viết lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại từng được phát hiện cho đến nay.
Theo Tiến sĩ Schwartz, trước đây, các học giả cho rằng bảng chữ cái được phát minh ở Ai Cập hoặc khu vực xung quanh vào khoảng thời gian sau năm 1900 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, phát hiện mới về 4 hình trụ bằng đất sét có khắc những chữ cái bên trong ngôi mộ cổ khoảng 4.400 tuổi cho thấy nguồn gốc chữ viết sớm hơn suy nghĩ trước đó khoảng 500 năm.
Hiện các nhà nghiên cứu cố gắng giải mã ý nghĩa của từng chữ cái khắc trên những hình trụ bằng đất sét và được người xưa sử dụng như thế nào.
Tiến sĩ Schwartz và các cộng sự đã bắt đầu khai quật tại Tell Umm-el Marra vào năm 1994. Là một trong những trung tâm đô thị cổ đại đầu tiên có quy mô trung bình ở phía tây Syria, khu vực khảo cổ này là nơi các chuyên gia có những khám phá bất ngờ, bao gồm đồ trang sức, đồ gốm, dụng cụ nấu ăn...