Việc tăng mức thưởng được kỳ vọng làm tăng động lực học tập, từ đó lan tỏa khí thế thi đua ở các nhà trường, góp phần nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thủ đô.
Đề xuất mức thưởng cao nhất từ trước tới nay
Nhằm động viên, khen thưởng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở các trường học trên địa bàn Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất thành phố có chính sách khen thưởng xứng đáng với học sinh, giáo viên.
Dự kiến, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế và tương đương do Bộ Giáo dục và Đào tạo cử tham dự có thể được thưởng ở mức cao nhất là 250 triệu đồng với Huy chương vàng; 200 triệu đồng với Huy chương bạc; 150 triệu đồng với Huy chương đồng và 100 triệu đồng với giải Khuyến khích hoặc giải chuyên đề.
Ở các kỳ thi cấp khu vực và tương đương do Bộ Giáo dục và Đào tạo cử tham dự hoặc ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cử tham dự, học sinh được thưởng 150 triệu đồng với Huy chương vàng; 120 triệu đồng với Huy chương bạc; 90 triệu đồng với Huy chương đồng và 50 triệu đồng với giải Khuyến khích hoặc giải chuyên đề.
Giáo viên trực tiếp bồi dưỡng học sinh đoạt giải được thưởng theo nguyên tắc bằng 70% mức tiền thưởng của học sinh. Tập thể giáo viên cùng tham gia bồi dưỡng học sinh được thưởng bằng 30% mức tiền thưởng của giáo viên trực tiếp bồi dưỡng học sinh đoạt giải.
Nếu đề xuất này thành hiện thực, thì đây là lần đầu tiên thành phố Hà Nội có chính sách khen thưởng học sinh, giáo viên có thành tích tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế với mức thưởng cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, một số địa phương đã áp dụng mức thưởng rất cao. Đến nay, gần 20 tỉnh, thành phố có mức thưởng từ 100 triệu đồng trở lên đối với học sinh đoạt Huy chương vàng quốc tế.
Trong đó, một số địa phương có mức thưởng rất cao như Quảng Ninh (700 triệu đồng); Hải Phòng, Bắc Ninh (500 triệu đồng); Vĩnh Phúc (400 triệu đồng)... Các địa phương cũng áp dụng mức thưởng giáo viên bồi dưỡng học sinh đoạt giải với mức từ 30% đến 50% mức tiền thưởng của học sinh.
Mong sớm thành hiện thực
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn dẫn đầu về kết quả giáo dục mũi nhọn, thể hiện ở số học sinh đoạt giải tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế ngày càng tăng, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận. Tính từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đoạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Tuy nhiên, thành phố chưa có mức thưởng cụ thể nào với học sinh, giáo viên đoạt giải cao trong các kỳ thi trong nước, quốc tế. Dự kiến, nội dung này sẽ được trình HĐND thành phố tại kỳ họp tổ chức trong tháng 12-2024.
Cũng như nhiều cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục Thủ đô, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên ủng hộ đề xuất các mức thưởng đối với học sinh, giáo viên đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia. “Việc vinh danh kèm theo mức khen thưởng xứng đáng chắc chắn sẽ tạo động lực không chỉ cho học sinh rèn luyện mà còn cho giáo viên và tập thể nhà trường đồng hành với gia đình học sinh”, ông Lê Trung Kiên nêu ý kiến.
Là một trong 6 học sinh sắp tham dự kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2024 tại Romania vào tháng 12 tới, em Vũ Nhật Long, học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Newton (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Thông tin về mức thưởng khiến em rất vui và giúp em cùng các bạn trong đội tuyển thêm động lực và quyết tâm ôn tập để đạt thành tích cao nhất".
Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) Chu Thị Xuân Hường nhận định, mức thưởng cao sẽ tạo động lực tốt, khích lệ phong trào thi đua dạy, học cũng như sáng kiến nâng cao thành tích giáo dục mũi nhọn tại nhà trường. Mong rằng nội dung này sớm trở thành hiện thực, tạo niềm phấn khởi, tăng động lực thi đua đối với cô và trò nhà trường. Đây cũng là giải pháp thiết thực góp phần “giữ chân” giáo viên giỏi, học sinh giỏi tại các trường học ở Thủ đô.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo, học sinh Thủ đô đã nỗ lực cống hiến tài năng, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục, mang nhiều vinh quang về cho đất nước. Mặc dù Trung ương, thành phố luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi bằng nhiều chế độ, chính sách nhưng đời sống vật chất của các nhà giáo còn khó khăn, thu nhập của nhà giáo chưa tương xứng với sự đóng góp, cống hiến. Yêu cầu nhiệm vụ và những đòi hỏi từ thực tiễn cho thấy sự cần thiết phải đổi mới chính sách đãi ngộ, khen thưởng các nhà giáo, học sinh xuất sắc. Điều này còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố Hà Nội đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, với quan điểm ưu tiên cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.