Giá ca-cao tăng do lo ngại mất mùa tại châu Phi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/10, giá ca-cao dẫn đầu đà tăng của cả nhóm sau khi bứt phá hơn 5,06% so tham chiếu, tăng vượt mức 7.200 USD/tấn do lo ngại sâu bệnh bùng phát, ảnh hưởng năng suất và sản lượng tại các khu vực trồng ca-cao tại châu Phi.
Giá ca-cao tăng do lo ngại mất mùa tại châu Phi
Ảnh minh họa

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa sắc xanh và đỏ. Tuy nhiên, lực mua vẫn chiếm áp đảo khi nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá.

Đáng chú ý, giá ca-cao dẫn đầu đà tăng của cả nhóm sau khi bứt phá hơn 5,06% so tham chiếu. Mưa lớn liên tiếp tại các khu vực trồng ca-cao tại châu Phi khiến thị trường chuyển trạng thái từ kỳ vọng tích cực sang lo ngại sâu bệnh bùng phát, ảnh hưởng năng suất và sản lượng.

Theo JPMorgan, nguồn cung ca-cao toàn cầu dự kiến tiếp tục thâm hụt 100.000 tấn trong niên vụ 2024-2025, trái ngược với dự báo cân bằng trước đó. Tuy nhiên, tại Bờ Biển Ngà - quốc gia sản xuất và xuất khẩu ca-cao lớn nhất thế giới, hoạt động cung ứng vụ mới vẫn được đẩy mạnh. Cụ thể, lượng ca-cao cập cảng 27 ngày đầu niên vụ 2024-2025 đạt 285.000 tấn, tăng 26% so cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, giá hai mặt hàng cà-phê đều quay đầu giảm sau chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp. Cà-phê Arabica giảm 1,68% về 5.469,7 USD/tấn trong khi giá Robusta giảm 2,31% xuống 4.398 USD/tấn. Diễn biến này chủ yếu bị chi phối bởi biến động tỷ giá USD/BRL thay vì các yếu tố cung-cầu cơ bản.

Cụ thể, đồng Real Brazil suy yếu trong khi Chỉ số USD-Index đi ngang đã đẩy tỷ giá USD/BRL lên mức cao nhất 12 tuần. Điều này làm dấy lên lo ngại Brazil có thể đẩy mạnh xuất khẩu cà-phê để hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, từ đó gây áp lực lên cán cân cung-cầu toàn cầu.

Theo báo cáo từ CECAFE, trong 28 ngày đầu tháng 10, Brazil đã cấp phép xuất khẩu gần 3,2 triệu bao cà-phê Arabica, cao hơn khoảng 54.000 bao so cùng kỳ tháng trước. Về triển vọng sản xuất, mặc dù mưa gần đây hỗ trợ đợt nở hoa chính vụ của Arabica, nhiều nhà phân tích và nông dân vẫn lo ngại sản lượng vụ 2025/26 khó phục hồi hoàn toàn do mưa đến muộn.

Báo cáo từ Somar Meteorologia cho thấy lượng mưa tại bang Minas Gerais - vùng trồng cà-phê Arabica lớn nhất Brazil chỉ đạt 25,1mm trong tuần qua, thấp hơn 26% so mức trung bình lịch sử.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua quay lại, chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua (29/10). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,24% lên 2.154 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca-cao tiếp tục nối dài chuỗi tăng khi bứt phá hơn 5%. Trên thị trường nông sản, lúa mì cũng dẫn dắt xu hướng đi lên của toàn nhóm trong bối cảnh mùa vụ tại các nước xuất khẩu lớn như Mỹ và Ukraine bị đe dọa bởi thời tiết bất lợi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật