Cần hết sức kiềm chế
Trong tuyên bố chung, Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh việc kiềm chế leo thang căng thẳng là cần thiết để tránh tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, gây bất lợi cho tất cả các bên. Các nước Mỹ, Nga, Đức và Anh đồng loạt kêu gọi Iran không nên đáp trả Israel.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Sean Savett thúc giục Iran ngừng các cuộc tấn công vào Israel để vòng xoáy giao tranh này có thể kết thúc mà không có thêm bước leo thang nào nữa. Phía Mỹ cũng bác bỏ cáo buộc nước này “đồng lõa” trong cuộc tấn công mới nhất của Israel nhằm vào Iran. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh để xảy ra một kịch bản thảm khốc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh rằng, không thể để tình hình tiếp tục leo thang. Xung đột phải dừng lại ngay lập tức để tạo cơ hội cho hòa bình tại Trung Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi: “Tôi hiểu rõ rằng Israel có quyền tự vệ trước những hành động của Iran. Nhưng tôi cũng hiểu rõ rằng, chúng ta cần tránh leo thang tình hình trong khu vực, vì vậy kêu gọi tất cả các bên xung đột cần hết sức kiềm chế. Iran không nên đáp trả”. Trước đó, một loạt các quốc gia trong khu vực, gồm Ai Cập, Qatar, Arab Saudi, Iraq, Oman… cũng cực lực lên án hành động quân sự của Israel nhắm vào Iran cũng như các chính sách mở rộng xung đột của nước này trong khu vực thời gian gần đây.
Các cuộc tấn công “ăn miếng, trả miếng” thời gian qua giữa Israel và Iran khiến nhiều người lo ngại về khả năng xung đột trở thành một cuộc chiến tranh kéo dài. Song cũng không ít nhận định cho rằng, tình thế hiện tại giống với chiến tranh Lạnh hơn là một cuộc xung đột toàn diện. Israel và Iran đang đối đầu trong một cuộc chiến mang tính khu vực, với những đòn tấn công trả đũa được tính toán kỹ lưỡng thay vì những cuộc tấn công quy mô lớn.
Ông Beni Sabti, một chuyên gia về Iran tại viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Tel Aviv, cho rằng: “Câu chuyện của Iran thực ra ít khó khăn hơn chúng ta vẫn nghĩ. Họ chỉ muốn lên án Israel, cố gắng trao đổi với Liên hợp quốc và thực hiện một số bước đi ngoại giao, nhưng thế là hết. Tất nhiên, chúng ta chỉ ở đó vài giờ sau vụ tấn công. Có thể sau hai, ba ngày và một số bước khác của Israel, tình hình có thể thay đổi. Nhưng bây giờ có vẻ như Iran muốn khép lại sự kiện này”.
Trên thực tế, căng thẳng Israel-Iran đã kéo dài âm ỉ trong nhiều thập niên và có thời điểm đã chạm ngưỡng chiến tranh toàn diện song đều được “tháo ngòi nổ”. Mặc dù hiện tại khó để đưa ra các kịch bản dự đoán tình hình Trung Đông thời gian tới sẽ đi về đâu, song sự đối đầu hiện nay giữa Israel và Iran vẫn được xem là một yếu tố gây bất lợi, khiến bức tranh an ninh Trung Đông trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Điều này không phải là không có cơ sở sau khi thế giới chứng kiến một loạt diễn biến căng thẳng bị đẩy lên cao gần đây giữa Israel và các lực lượng trong khu vực mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Không cần phải đáp trả tương tự
Các cuộc không kích ngày 26/10 của Israel đã được dự đoán trong nhiều tuần. Chiến dịch này diễn ra sau cam kết của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo trước đó của Iran vào đầu tháng 10. Động thái này cũng tuân theo một mô hình mà Iran và Israel đã thay phiên nhau tăng cường mức độ trong một thời gian dài, được gọi là “cuộc chiến ngầm”, nhưng giờ đây đã phát triển thành đối đầu trực tiếp.
Những cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” này đã gây ra nỗi lo sợ lan rộng rằng toàn bộ khu vực sắp bước vào giai đoạn leo thang hơn. Nhưng, mặc dù nghe có vẻ không logic, một số nhà phân tích tin rằng, các cuộc không kích mới nhất của Israel thực sự có thể đã xoa dịu căng thẳng.
Thực tế tới nay cho thấy, mặc dù các cuộc tấn công của Israel nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau rõ ràng đã thành công, nhưng các tuyên bố từ các nhà lãnh đạo Iran cho thấy tác động của hoạt động này là hạn chế. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran lên án vụ tấn công, lưu ý rằng, Tehran “có quyền tự vệ”. Nhưng đồng thời tuyên bố nói thêm rằng, Iran sẽ “duy trì các cam kết của mình đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Những lời đó như ẩn ý rằng, Iran không ngay lập tức tìm cách trả đũa và khiến leo thang căng thẳng hơn nữa. Tất nhiên, điều đó có thể thay đổi. Những thông điệp tiếp theo của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khameini hoặc chỉ huy Lực lượng Quds Esmail Qaani có thể đưa ra dấu hiệu rõ ràng hơn về việc liệu Iran có tìm cách trả đũa hay không và trả đũa như thế nào. Nhưng với việc Iran nhận thức rõ về tác động của sự leo thang đó - và khả năng Mỹ áp dụng nhiều lệnh trừng phạt hơn cũng như tăng cường hỗ trợ cho Israel - đối với nền kinh tế đang suy yếu của mình, thì nước này có thể tính toán rằng việc quay trở lại nguyên trạng trước khi leo thang với Israel là vì lợi ích của chính họ.
Trong khi đó, theo các nhà quan sát, việc quay trở lại cuộc chiến tranh ngầm giữa Israel và Iran - trái ngược với chiến tranh công khai - sẽ được hoan nghênh ở Washington. Kể từ cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas ở Israel vào ngày 7/10/2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bị mắc kẹt giữa các nghĩa vụ và mối lo ngại. Điều này bao gồm việc ủng hộ đồng minh lâu năm là Israel, trong khi không gây mất lòng các chính phủ Arab thân thiện và cố gắng tránh xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện trong khu vực. Trong khi đó, trong năm bầu cử, liên danh Dân chủ đang cố gắng cân bằng giữa việc ủng hộ khối cử tri Do Thái, với việc tránh ảnh hưởng đến các phiếu bầu quan trọng của người Hồi giáo ở các tiểu bang quan trọng, cũng như không làm mất lòng thanh niên gốc Palestine.
Việc leo thang xung đột trong khu vực không giúp ích gì cho Nhà Trắng về những mặt này. Washington vốn đã không thành công trong việc thúc đẩy đồng minh của mình hướng tới lệnh ngừng bắn ở Gaza, cũng như chấm dứt các hành động thù địch với Hezbollah ở miền Nam Liban.Trong khi chỉ còn vài ngày là diễn ra cuộc bầu cử Mỹ, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông trên nhiều mặt trận có thể tác động đến cách cử tri nhìn nhận Phó Tổng thống Kamala Harris hoặc cựu Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là ở tiểu bang chiến trường Michigan, nơi liên danh Dân chủ có thể mất phiếu bầu của người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo đang tức giận vì lập trường ủng hộ Israel của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng để đánh giá liệu cuộc không kích mới nhất này của Israel có dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa giữa Iran và Israel hay không - hoặc liệu một động thái hạ nhiệt hơn có diễn ra trong khu vực hay không. Nhưng có lý do chính đáng để tin rằng những người ra quyết định ở Iran, Israel và Mỹ biết rằng, leo thang hơn nữa sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Và loạt đạn mới nhất có thể chỉ đủ để thỏa mãn Israel, đồng thời tạo cớ cho Tehran nói rằng không cần phải đáp trả tương tự.