Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 29/10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo ’Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa’ nhằm tìm giải pháp đưa ngành sản xuất lúa gạo xuất khẩu của địa phương phát triển vững chắc.
Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo
Một cơ sở chế biến lúa gạo tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí- TTXVN

Ngày 29/10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa” nhằm tìm giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, đưa ngành sản xuất lúa gạo xuất khẩu của địa phương phát triển vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà khoa học đến từ các viện, trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dựa trên cơ sở dự báo thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cũng như thực trạng sản xuất lúa gạo của tỉnh, ông Nguyễn Văn Sánh, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, với lợi thế trên 56.000 ha đất trồng lúa, mỗi năm đạt diện tích gieo trồng gần 130.000 ha, sản lượng vào khoảng 790.000 tấn lúa nguyên liệu/năm, Tiền Giang cần quan tâm hơn nữa đến phân khúc thị trường mà mình chiếm ưu thế, chú trọng nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo theo dự báo thị trường để quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển quy mô cánh đồng lớn một cách hiệu quả. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp, bà con nông dân, các địa phương trong việc nâng cao giá trị sản xuất và chế biến lúa gạo theo lộ trình tham gia 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm khí thải nhà kính vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Sánh đề xuất trong thời gian tới, Tiền Giang có những chính sách thị trường, kêu gọi đầu tư phù hợp đồng bộ với các chính sách ưu đãi về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển công nghệ chế biến lương thực và thực phẩm cũng như chính sách phát triển các mô hình kinh tế từ ngành hàng lúa gạo tạo động lực phát triển.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang Lê Quang Khôi, cho rằng sự đóng góp của khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu gạo tập trung vào các lĩnh vực: hỗ trợ nghiên cứu chọn tạo giống lúa chất lượng, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chế biến, sức cạnh tranh của sản phẩm gạo cùng với xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển nhãn hiệu,…

Một cơ sở chế biến lúa gạo xuất khẩu tại Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Quang Khôi cho biết, trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo tại địa phương. Nổi bật là ứng dụng công nghệ sinh học phục tráng thành công giống lúa VD 20, xây dựng thương hiệu “Gạo Gò Công”, hỗ trợ 15 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lương để nâng cao năng suất chế biến và chất lượng sản phẩm gạo xuất khẩu…

Là doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo chủ lực tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết xuất khẩu gạo trong thời gian tới có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, rào cản phải vượt qua. Để duy trì và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng mà phải chú ý hơn nữa việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng giá trị, chú ý khai thác tốt các thị trường mới, nhất là thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, 4 khâu mang tính đột phá là sản xuất –sấy bảo quản – chế biến – tiêu thụ. Trên cơ sở đó, đại diện Công ty Lương thực kiến nghị trong khâu sản xuất, các chính sách về tín chỉ cacbon nhà nông được hưởng lợi trực tiếp trong việc tham gia sản xuất theo chương trình đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải; khâu sấy và bảo quản Nhà nước nên có chính sách tín dụng vay dài hạn cho việc chuyển đổi cộng nghệ sấy lửa trực tiếp sang sấy nồi hơi; khâu chế biến, Nhà nước cần có chính sách vay chuyển đổi đầu tư công nghệ mới như máy tách màu chẳng hạn; khâu tiêu thụ Nhà nước cần có thêm các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam đóng góp, ngành hàng lúa gạo được xem là mũi nhọn trên lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Toàn tỉnh có mạng lưới khoảng 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm tiêu dùng và xuất khẩu. Hàng năm, Tiền Giang xuất khẩu gần 200.000 tấn gạo, thu về hàng trăm triệu USD.

Để phát huy tiềm năng và cơ hội xuất khẩu lúa gạo, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các cấp, các ngành, địa phương đưa ra nhiều nhóm giải pháp mà trọng tâm là quản lý tốt đất trồng lúa theo quy hoạch, tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới cơ sở vật chất hạ tầng giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo lộ trình đề ra; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kiện toàn máy móc, thiết bị phục vụ chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu….

Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, các nhà khoa học trong ngoài tỉnh. Từ đó, giúp địa phương tổng hợp, nghiên cứu áp dụng trong quá trình chỉ đạo thực hiện sản xuất trong thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa lợi thế ngành hàng lúa gạo của tỉnh, thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật