Trầm lắng sau cơn sốt
Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ doanh thu đến từ "Mai" (520 tỷ đồng) của Trấn Thành và "Lật mặt 7: Một điều ước" (482,5 tỷ đồng) của Lý Hải. Đặc biệt, hai tác phẩm của này chiếm tới hơn 2/3 tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng của doanh thu phim nội địa trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2024, điện ảnh Việt bước vào giai đoạn trầm lắng với một loạt phim thất bại khi ra rạp. Các phim tiếp tục rơi vào lối mòn khi biên độ chênh lệch giữa phim có doanh thu cao và doanh thu thấp ngày một lớn.
Trong 8 tuần cuối năm, chúng ta có gần 10 phim ra rạp, chưa kể bom tấn ngoại. Số lượng phim dày đặc sẽ khiến "miếng bánh" thị trường bị chia nhỏ. Phim nào thất bại sẽ bị đẩy ra khỏi rạp, phim doanh thu tốt cũng chỉ có thể ở mức 50-60 tỷ đồng - doanh thu hòa vốn. Nhưng về tổng thể, cả mùa phim đạt doanh thu hơn 500 tỷ đồng là khả quan.
Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt
Trong 9 tháng đầu năm, có gần 20 phim Việt ra rạp, nhưng số phim có doanh thu cao vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay như: "Gặp lại chị bầu", "Ma da", "Làm giàu với ma" với doanh thu lần lượt là 105,3 tỷ đồng, gần 114 tỷ đồng và 128 tỷ đồng. Phim có doanh thu thấp vẫn là chủ yếu.
Có phim còn đạt doanh thu thấp kỷ lục như: "Đóa hoa mong manh" (430 triệu đồng), "Trà" (1,6 tỷ đồng), "Án mạng lầu 4" (2 tỷ đồng), "Sáng đèn" (3,4 tỷ đồng), "B4S - Trước giờ yêu" (3,8 tỷ đồng) hay "Quý cô thừa kế 2" (6,4 tỷ đồng)…
Ngay cả "Móng vuốt" của đạo diễn trăm tỷ Lê Thanh Sơn (đạo diễn phim "Em chưa 18", doanh thu 170 tỷ đồng) cũng chỉ thu về vỏn vẹn 3,8 tỷ đồng. Hay với những ngôi sao "bảo chứng phòng vé" như Thái Hòa cũng không thể cứu vãn nổi doanh thu phim "Cái giá của hạnh phúc" (26,3 tỷ đồng).
Gần nhất, "Domino: Lối thoát cuối cùng" đối diện nguy cơ lỗ nặng khi chỉ thu về 590 triệu đồng sau 12 ngày ra rạp. Điển hình, hôm 19/10, phim chỉ bán được khoảng 100 vé trong ngày, với 125 suất chiếu toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung cụm rạp CGV, số lượng phim Việt thất bại không có dấu hiệu giảm cho thấy thị hiếu khán giả ngày càng cao. "Sau cùng, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành - bại của một bộ phim.
Không thể có phim trăm tỷ nếu tác phẩm kém chất lượng, bất kể dự án đó có dàn diễn viên ăn khách, phát hành dịp lễ, đầu tư truyền thông hay không", ông Hải nhận định.
Phim kinh dị chiếm đa số
Theo biên kịch Châu Quang Phước, sự đứt gãy doanh thu trong 9 tháng đầu năm vô tình khiến các dự án mùa cuối năm phải gánh sức ép.
“Domino - Lối thoát cuối cùng” có doanh thu ảm đạm.
Từ nay đến cuối năm, điện ảnh Việt hứa hẹn tạo nên một cuộc cạnh tranh đầy hấp dẫn khi đã có 7 dự án thuộc nhiều thể loại khác nhau chờ trình chiếu.
Sau thành công của "Ma da", "Làm giàu với ma", dòng phim kinh dị tiếp tục thừa thắng xông lên gồm: "Linh Miêu: Quỷ nhập tràng", "Nhà gia tiên", "Đồi thông hai mộ"…
Ông Châu Quang Phước nhận định, dòng phim kinh dị đang chiếm đa số, dẫn đến hiện tượng "sóng sau dồn sóng trước", từ đó tạo nên bước doanh thu cao hơn nữa. Tuy nhiên, việc phim kinh dị vẫn đang chiếm đa số cho thấy sẽ khó tạo nên đột phá doanh thu vì tâm lý bão hòa.
Dòng phim lãng mạn trữ tình cũng được kỳ vọng tạo doanh thu trong mùa phim từ nay đến hết năm 2024 với "Ngày xưa có một chuyện tình", "Kính vạn hoa"…
"Dòng phim này luôn có khán giả riêng, một khi câu chuyện được kể có thể chạm vào khán giả thì ắt sẽ ăn khách ngoài rạp", ông Phước cho hay.
Đường đua cuối năm nay còn có sự góp mặt của phim "Công tử Bạc Liêu" dự kiến sẽ công chiếu với sự tham gia diễn xuất chính của nam diễn viên Song Luân trong vai công tử ăn chơi khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh một thời…
Điểm xuyết cho bức tranh phim Việt từ nay đến hết năm còn có các phim thuộc dòng phim độc lập như "Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân và "Mưa trên cánh bướm" của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh.
Thiếu sự đầu tư
Ông Phước bày tỏ sự tiếc nuối khi đường đua phim Việt thiếu vắng những tác phẩm được đầu tư về kinh phí, thời gian ở những đề tài khó, dễ gây tranh luận như phim lịch sử, cổ trang.
Song Luân đóng vai nam chính trong phim “Công tử Bạc Liêu” của đạo diễn Lý Minh Thắng.
Một phần lý do là chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, dòng phim hành động được đầu tư lớn với bối cảnh hoành tránh, mới lạ cũng "biệt tăm" dù đây là thể loại phim luôn thu hút khán giả đại chúng ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hollywood…
"Điều này khiến cho phần lớn phim Việt gần đây hầu như đều bị mờ nhạt lẫn hụt hơi trên đường đến với khán giả", ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước, để trông đợi vào sự bùng nổ và đột phá doanh thu của phim Việt giai đoạn sắp tới có lẽ là điều không tưởng. Các dự án mới dừng lại ở mức đầu tư trung bình.
"Doanh thu phim Việt có lẽ vẫn phải trông chờ vào sự đột biến từ các dự án chiếu Tết hơn là các phim đang chuẩn bị ra rạp. Ngoài chất lượng, thể loại, tên tuổi và mối quan hệ của nhà sản xuất với hệ thống phát hành, chiến lược truyền thông khôn ngoan cũng là thành tố mang tính quyết định về doanh thu", ông Phước đánh giá.