Một nhóm các nhà khoa học đã chỉ ra rằng núi Everest đang tăng trưởng về mặt chiều cao một cách nhanh chóng do sự xói mòn của các dòng sông lân cận. Hiện đỉnh núi cao nhất thế giới đã chạm ngưỡng 8.849 m, theo Guardian.
Dãy Himalaya hình thành khoảng 50 triệu năm trước khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm vào mảng kiến tạo Á-Âu. Vì quá trình kiến tạo vẫn đang diễn ra, dãy Himalaya tiếp tục được đẩy lên cao hơn.
Một nhóm nghiên cứu cho biết quá trình này đã khiến đỉnh Everest cao thêm từ 15-50 mét trong khoảng 89.000 năm qua và sự nâng cao này vẫn đang diễn ra.
"Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng ngay cả ngọn núi cao nhất thế giới cũng đang chịu tác động của các quá trình địa chất khiến nó thay đổi chiều cao một cách nhanh chóng xét trong thời gian địa chất tương đối ngắn", giáo sư Jingen Dai thuộc Đại học Địa chất Bắc Kinh viết trên tạp chí Nature Geoscience.
Giáo sư Dai cũng lưu ý rằng núi Everest là một hiện tượng dị thường vì có đỉnh cao hơn 250 m so với những ngọn núi cao khác cùng thuộc dãy Himalaya.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy sự khác biệt giữa tỷ lệ gia tăng chiều cao xét về dài hạn và ngắn hạn của đỉnh Everest.
"Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu có tồn tại một cơ chế khác đằng sau sự gia tăng chiều cao bất thường này của đỉnh Everest hay không", ông Dai nói.
Giáo sư Dai và các đồng nghiệp cũng trình bày cách họ tạo ra các mô hình giả lập trên máy tính để khám phá sự phát triển của các mạng lưới sông ở dãy Himalaya.
Kết quả phân tích cho thấy vào khoảng 89.000 năm trước, xuất phát từ sự xói mòn ở phía bắc, vùng thượng lưu của sông Arun nằm ở phía bắc của Everest đã sáp nhập với nhánh hạ lưu, dẫn đến việc toàn bộ chiều dài của sông Arun trở thành một phần của hệ thống sông Kosi.
Nhóm nghiên cứu cho rằng quá trình trên đã kéo theo sự xói mòn đáng kể của các sông gần Everest, dẫn đến sự gia tăng về mặt chiều cao của đỉnh núi cao nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc giảm trọng lượng trên lớp vỏ Trái Đất trong khu vực xung quanh núi Everest do quá trình xói mòn sông đã dẫn đến sự nâng cao của vùng đất xung quanh - một quá trình được gọi là sự phục hồi đẳng hướng.
Nhóm các nhà khoa học cũng cho biết quá trình nói trên không chỉ khiến núi Everest cao lên mà hiện tượng tương tự cũng xảy ra với các đỉnh núi lân cận Lhotse và Makalu, vốn lần lượt là những đỉnh núi cao thứ tư và thứ năm thế giới.