Theo nội dung đăng ký doanh nghiệp, ngày 9/9, người đại diện Pháp Luật của CTCP Xi măng Thành Thắng Group đã thay đổi từ Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Tiến sang Tổng giám đốc Nguyễn Thị Bích Loan.
Đáng chú ý, 5 ngày trước đó, ngày 4/9, ông Tiến cũng không còn là Tổng giám đốc và người đại diện Pháp Luật của CTCP Đầu tư Thành Thắng Group, thay vào đó, bà Phạm Thị Ngọc Hoa là Tổng giám đốc kiêm người đại diện Pháp Luật của công ty.
Đây là 2 công ty trong hệ sinh thái Thành Thắng Group Chủ tịch Đỗ Văn Tiến. Trong đó, Đầu tư Thành Thắng được thành lập từ năm 2005, hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến vật liệu xây dựng.
Cuối năm 2013, công ty nhận bàn giao nhà máy xi măng Thanh Liêm từ Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam, Thành Thắng Group đã phát triển thêm mảng sản xuất xi măng với pháp nhân là CTCP Xi măng Thành Thắng Group (Xi măng Thành Thắng). Hiện nay, hoạt động kinh doanh của Thành Thắng Group còn mở rộng sang vận tải, cầu cảng và xây dựng…
Về vốn điều lệ, Đầu tư Thành Thắng Group có vốn điều lệ hiện tại là 2.913 tỷ đồng còn Xi măng Thành Thắng Group là 4.437,5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.
Tuy nhiên, theo đăng ký doanh nghiệp thay đổi hồi tháng 4/2015, khi Xi măng Thành Thắng Group có vốn điều lệ 999 tỷ, Đầu tư Thành Thắng Group nắm tới 97,09% vốn điều lệ, ông Đỗ Văn Tiến nắm 2,32% và ông Đỗ Văn Thắng nắm 0,58%.
Còn theo đăng ký doanh nghiệp thay đổi hồi tháng 11/2018, Đầu tư Thành Thắng Group có vốn điều lệ 2.280 tỷ, ông Đỗ Văn Tiến nắm 99,556% vốn điều lệ, ông Đỗ Văn Thành nắm 0,3% và ông Đỗ Văn Tuyến nắm 0,12%.
Doanh nhân Đỗ Văn Tiến
Tháng 9 năm nay, theo Báo Đầu tư, Xi măng Thành Thắng Group vừa tổ chức lễ đốt lò, chính thức đưa vào vận hành dây chuyền 5, chuyên sản xuất các sản phẩm xi măng chất lượng cao và xi măng chịu mặn bền sunfat tại Hà Nam. Sự kiện này, đã đưa tổng công suất xi măng của Tập đoàn lên 10 triệu tấn.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 2 dây chuyền nhà máy xi măng Thành Thắng (số 4 và số 5), mỗi dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tháng 12/2021, Công ty CP xi măng Thành Thắng Group đã đốt lò đưa vào hoạt động dây chuyền số 4 có tổng mức đầu tư 4.951 tỷ đồng.
Thành Thắng Group và ông chủ Đỗ Văn Tiến bắt đầu được chú ý với việc sở hữu tòa lâu đài Thành Thắng tại tỉnh Ninh Bình. Được biết, công trình khởi công xây dựng từ 6/2016 và mất ba năm rưỡi để hoàn thành. Lâu đài Thành Thắng được mệnh danh là lâu đài lớn nhất Đông Nam á với chiều cao của tổng thể bên ngoài bằng một tòa nhà 18 tầng và tổng diện tích mặt sàn là 15.000 m2.
Cả cổng vào và các toà nhà đều nguy nga, đồ sộ, với nhiều chi tiết, hoa văn phức tạp. Toàn bộ khuôn viên bao gồm 3 toà nhà, trong đó 2 toà lâu đài nhỏ dành cho 2 con trai, một cung điện lớn là nơi ở của bố mẹ cũng như không gian chung.
Riêng phòng tiếp khách có diện tích rộng tương đương một căn chung cư, bàn ghế đa phần được sản xuất thủ công tại Việt Nam, đệm bọc da cao cấp, tay cầm được dát vàng. Kể cả tay nắm cửa và bản lề cũng đều được mạ vàng.
Với thiết kế mang đậm phong cách Châu Âu cổ điển, cùng nhiều chi tiết nội thất đắt đỏ, tổng số tiền đầu tư ước tính lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, tại Hội nghị tri ân khách hàng hồi đầu năm nay, đại diện Thành Thắng Group cho biết, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng và clinker đạt 8,5 triệu tấn, trong đó, sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 3 triệu tấn, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, sản lượng xuất khẩu đạt 5,5 triệu tấn, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 6.400 tỷ đồng, trong đó, doanh thu xi măng 3.000 tỷ đồng, doanh thu clinker 3.400 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu mảng đá xây dựng và vận tải đạt 200 tỷ đồng.