Tin liên quan
Cuộc tấn công táo bạo của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga gây ấn tượng với các đồng minh của Kiev, đảo ngược nhận định rằng giao tranh đang bế tắc.
Tuy nhiên, phương Tây lo ngại Kiev không thể kiểm soát được khu vực này trong thời gian đủ dài để đàm phán với Moscow.
Một tháng sau khi Ukraine tổ chức chiến dịch, các quan chức Mỹ và châu Âu vẫn đặt câu hỏi về mục đích cuối cùng của Kiev đối với 1.300km2 lãnh thổ Nga mà Kiev đang kiểm soát.
Một số quan chức phương Tây thậm chí lo ngại về kịch bản Kiev có thể bị buộc phải từ bỏ phần lãnh thổ Nga trong vòng vài tháng nếu Moscow tiến hành một cuộc phản công lớn hơn. Điều đó có thể khiến Ukraine rơi vào tình thế "xôi hỏng bỏng không" khi dồn nguồn lực vào mặt trận Kursk nhưng không thu lại được thành quả đáng kể như kỳ vọng.
Ukraine kỳ vọng sử dụng phần lãnh thổ Nga mà họ kiểm soát để làm "lá bài" trong đàm phán. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẵn sàng thương lượng trong bối cảnh Nga kiểm soát tới 20% lãnh thổ Ukraine, trong khi Ukraine chỉ đang nắm giữ một phần rất nhỏ.
Hiện nay, Ukraine đang dồn nguồn lực cho Kursk nhưng phương Tây đặt ra câu hỏi rằng mục đích cuối cùng của Kiev là gì. Vì nếu mục đích của Ukraine là buộc Nga phải rút quân từ Donetsk về thì mọi thứ dường như đã diễn ra không đúng như kỳ vọng của Kiev.
Một đặc điểm khác mà giới quan sát nhận thấy rằng có rất ít bằng chứng cho thấy lực lượng Ukraine đang xây dựng các công sự kiên cố để bảo vệ vùng đất mà họ đã kiểm soát được, chẳng hạn như bằng cách đào chiến hào hoặc đặt mìn và răng rồng.
Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), ông Seth G. Jones cho rằng Ukraine dường như chưa thực sự chuẩn bị cho một hoạt động phòng thủ quy mô lớn, kéo dài ở Kursk.
"Đây có thể là một phần trong tính toán của Ukraine nhằm có thể rút lui nhanh chóng nhưng cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tiến về phía trước và giành thêm lãnh thổ từ Nga", ông nhận định.