Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 5, Kết luận nêu rõ: “Tăng cường rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bảo đảm đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện ở Việt Nam, quan tâm đầu tư cho giáo dục chất lượng cao”.
Qua đó, có thể thấy, phát triển giáo dục ngoài công lập vẫn luôn là vấn đề rất được quan tâm. Trong 10 năm qua, nhiều địa phương đã đưa ra những chính sách phát triển giáo dục tư thục, đặc biệt ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, nơi nhu cầu học tập của con em công nhân vô cùng lớn.
Nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục ngoài công lập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên toàn tỉnh có 2.004 trường học.
Trong đó có 68 trường tư thục, gồm 45 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 6 trường trung học phổ thông và 11 trường liên cấp. Số lượng trường tư thục hiện đủ phục vụ lượng học sinh không theo học các trường công lập.
Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: dbndthanhhoa.gov.vn.
Theo ông Thức, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong đó, bao gồm Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 17/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 4294/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Các cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giáo dục được giảm 60% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư trên địa bàn các phường của Thành phố Thanh Hóa; được giảm 80% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư tại các xã thuộc địa bàn Thành phố Thanh Hóa, các phường thuộc địa bàn Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Sầm Sơn; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các xã còn lại thuộc địa bàn Thị xã Bỉm Sơn và Thị xã Sầm Sơn.
Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa có nhiều chính sách riêng dành cho giáo dục mầm non ngoài công lập, quy định mức hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; trẻ em, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, đặc biệt ở địa bàn có khu công nghiệp.
Chủ đầu tư của các trường mầm non ngoài công lập được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho các cán bộ quản lý, giáo viên.
“Các chính sách đã mang lại những kết quả tốt, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho các trường mầm non ngoài công lập, theo Nghị quyết 82/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết 386/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa giúp các trường mới đưa vào hoạt động bớt khó khăn, đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch COVID 19.
Nhiều trường học ngoài công lập đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, quy mô các trường ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu người học trong khi nhà nước không mở thêm các cơ sở giáo dục công lập. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được Nhà nước giao hàng trăm dự án để xây dựng trường học ngoài công lập” - ông Thức thông tin thêm.
Ở khu vực Đông Nam Bộ, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Hiện nay, thành phố đang áp dụng những chính sách để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục ngoài công lập.
Theo ông Kiều Công Đức - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Biên Hòa, thành phố hiện có 108 trường tư thục/224 tổng số trường trên địa bàn.
Trong đó, có 95 trường mầm non tư thục, 12 trường tư thục có cấp tiểu học và 10 trường tư thục có cấp trung học cơ sở. Ngoài ra, có 460 nhóm lớp mẫu giáo độc lập, nhóm trẻ tư thục. Tỷ lệ trường tư thục chiếm 48,2%, ở mức cao so với toàn tỉnh Đồng Nai.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Biên Hòa đã có văn bản 1227/PGDĐT-PT 09/11/2023 tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng danh mục các dự án đầu tư để mời gọi nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa giáo dục và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 881/QĐ-UBND ngày 04/4/2024.
“Để các giáo viên tại các cơ sở giáo dục dân lập không bị thiệt thòi, căn cứ Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giáo viên mầm non ngoài công lập ở các khu công nghiệp thành phố Biên Hòa nhận mức hỗ trợ là 800.000 đồng/giáo viên/tháng (9 tháng/năm học).
Học sinh mầm non ngoài công lập ở các khu công nghiệp cũng nhận mức hỗ trợ 160.000 đồng/học sinh/tháng (9 tháng/năm học)” - ông Đức cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng 22 trường mầm non và 21 trường phổ thông tư thục, 1 trường liên cấp quốc tế (100% vốn đầu tư nước ngoài).
Bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.
Theo bà Thúy, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục.
Trong đó, trẻ em mầm non có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được hỗ trợ 240.000 đồng/học sinh/tháng (9 tháng/năm học).
Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh, trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp nhận mức hỗ trợ là 800.000 đồng/giáo viên/tháng (9 tháng/năm học).
Khó khăn trong phát triển giáo dục tư chất lượng cao
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những thành tựu trong phát triển giáo dục tư thục, địa phương đang gặp khó khăn về việc giao đất, cho thuê đất để xây thêm những trường học mới.
Từ khi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành, việc giao đất cho thuê đất cho cơ sở thực hiện xã hội hóa phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Pháp Luật. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư không muốn tham gia vào dự án giáo dục.
“Từ năm 2020 đến nay, tại tỉnh Thanh Hóa, không có dự án đầu tư về giáo dục được giao đất” - ông Thức chia sẻ.
Một lớp học mầm non tại Hệ thống giáo dục liên cấp QTHSchool, Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Website trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù trong việc giao đất, cho thuê đất trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển giáo dục, nhằm đạt được mục tiêu đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa triển khai thực hiện theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ.
Cùng nỗi lo về xây mới trường học, Thành phố Biên Hòa đang thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất, miễn tiền thuế với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập theo Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 30/09/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Nhưng theo ông Kiều Công Đức, thành phố đang gặp khó khăn trong việc giải tỏa, đền bù cho các hộ dân ở đất đã quy hoạch cho các dự án giáo dục xã hội hóa.
Bên cạnh gia tăng số lượng các trường ngoài công lập, chất lượng hệ thống tư thục cũng là điều khiến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho hay, giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh vẫn có một số bất cập, trong đó nổi bật là số lượng trường đạt chuẩn quốc gia còn chưa nhiều.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thúy lý giải, đa số các cơ sở giáo dục ngoài công lập của tỉnh được xây dựng từ trước năm 2010, khi đó giáo dục tư thục vẫn còn chưa được đầu tư, chú ý.
Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Văn Lang là trường ngoài công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đi theo mô hình liên thông 3 cấp chất lượng cao. Ảnh: Website trường
Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhận thấy không ít cơ sở giáo dục tư thục gặp nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng các trường dân lập không bằng các trường công lập.
“Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đang ráo riết thắt chặt kiểm định chất lượng các trường ngoài công lập. Trường nào không đạt tiêu chuẩn thì phải xem xét lại.
Đối với các chủ đầu tư, hội đồng quản trị các cơ sở giáo dục tư thục, cần chủ động rà soát đề án xây dựng trường, đảm bảo đầu tư đúng, đủ, đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cần thêm nhiều chính sách cho phát triển giáo dục ngoài công lập. Hiện, Sở đang nghiên cứu để đề xuất tham mưu Hội đồng nhân dân nhiều giải pháp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục tư thục phát triển” - nữ Giám đốc Sở chia sẻ thêm.