Tin liên quan
Hệ thống phòng không là một trong những vũ khí quan trọng nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, và cả hai bên đều sử dụng chúng để phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa, cũng như ngăn chặn máy bay chiến đấu của đối phương bay vào không phận.
Ukraine đối chiến thuật nhằm tê liệt mạng lưới phòng không Nga
Theo giới phân tích, hệ thống phòng không của Nga đang bị kéo căng, khiến nước này gặp khó khăn trong việc quyết định nên bảo vệ khu vực nào trước. Sau khi Ukraine thay đổi chiến thuật và tiến hành nhiều cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ phải xem xét cần bố trí hệ thống phòng không ở những nơi nào. Điều này đang tạo cho Kiev những cơ hội mới để nhắm vào các khu vực mà Nga có sự phòng thủ yếu hơn.
Trong bản cập nhật tình hình chiến sự, các nhà phân tích tại viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) đánh giá, Nga dường như không có đủ hệ thống phòng không để bảo vệ tất cả các khu vực của nước này
Ông George Barros, một nhà phân tích về Nga tại ISW cho rằng, Nga chủ yếu sử dụng hệ thống phòng không để bảo vệ những khu vực trọng yếu và những nơi dễ bị tấn công nhất. Điều này có nghĩa là một số nơi khác sẽ có lỗ hổng phòng không.
Nếu Ukraine có thể vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên này thì họ sẽ dễ tiến sâu vào lãnh thổ Nga. Kiev tuyên bố đã phá hủy 59 hệ thống phòng không của Nga vào tháng 6/2024, trong đó có cả những hệ thống tiên tiến nhất. Tuy nhiên, Moscow chưa xác nhận thông tin đó.
Theo các chuyên gia quân sự, Ukraine đang buộc Nga phải cân nhắc nơi cần bảo vệ bằng cách tấn công ngày càng nhiều các địa điểm ở Nga. Thời gian gần đây, phương Tây đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công một số mục tiêu quân sự ở Nga. Điều này đã tạo ra sự thay đổi lớn bởi trước đó, Kiev chỉ được dùng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Ukraine đã tăng cường sử dụng các phương tiện không người lái mang chất nổ tập kích sân bay, cơ sở dầu mỏ nằm sâu hàng trăm km bên trong lãnh thổ Nga. Ông Justin Bronk, một chuyên gia tại viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định, Kiev dường như đang theo đuổi một chiến lược rõ ràng, buộc không quân Nga phải rời khỏi các căn cứ của họ trong phạm vi vài trăm km tính từ biên giới Ukraine hoặc buộc Moscow phải dành số lượng lớn hệ thống phòng không để bảo vệ những căn cứ này.
Theo đánh giá của ISW, việc Ukraine gia tăng tần suất tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày đã gây áp lực lớn đối với mạng lưới phòng không Nga, khiến bộ chỉ huy quân sự Nga phải đau đầu phân bổ các hệ thống phòng không vốn có số lượng hạn chế để bảo vệ những mục tiêu mà họ cho là có giá trị cao.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã tập trung một số hệ thống phòng không bảo vệ dinh thự của Tổng thống Putin tại Valdai, tỉnh Leningrad. Michael Clarke - chuyên gia tại RUSI, đồng thời là cố vấn an ninh quốc gia của Anh, cho rằng cả Nga và Ukraine có lẽ chưa bao giờ lường trước được tầm quan trọng và sự lợi hại của máy bay không người lái trong cuộc chiến này.
Người đứng đầu khu vực Tatarstan của Nga cho biết, các công ty và chính quyền địa phương của Nga đang phải tự bảo vệ họ trước những cuộc tập kích bằng máy bay không người lái của Ukraine thay vì dựa vào hệ thống phòng thủ quốc gia sau khi các mục tiêu trong khu vực bị tấn công.
Thời gian qua, Ukraine cũng nhiều lần nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea – nơi Nga sáp nhập từ năm 2014. Chuyên gia Bailey lưu ý, Ukraine đã tiến hành một chiến dịch "khá nhất quán" mạng lưới phòng không của Nga tại Crimea.
Ukraine đã phá hủy một số radar và hệ thống phòng không của Nga, khiến Moscow bị suy giảm khả năng bảo vệ không phận Crimea. Không chỉ tấn công mạng lưới phòng không của Nga, Kiev còn sử dụng các lỗ hổng trong mạng lưới này để tấn công căn cứ không quân và căn cứ hải quân của đối phương.
Nga vẫn chiếm lợi thế về vũ khí phòng không
Nhà phân tích Clarke tại RUSI cho rằng, hệ thống phòng thủ của Nga phải chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết vì trong bối cảnh tiền tuyến tương đối tĩnh lặng, Kiev ngày càng tập trung vào việc tấn công các khu vực do Nga chiếm giữ và thậm chí bên trong lãnh thổ Nga.
Một số báo cáo cho biết, các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine đã khiến quân đội Nga phải chuyển rời nhiều khí tài quân sự ra khỏi Crimea. Điều đó khiến Moscow gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp tục sử dụng bán đảo này làm trung tâm hậu cần.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine một phần được quyết định bởi yếu tố phòng không. Xét đến lĩnh vực này, Nga vẫn chiếm ưu thế. Hệ thống phòng không của Ukraine nhỏ hơn nhiều và thường xuyên thiếu trang thiết bị. Trái lại, các hệ thống phòng không của Nga ngày càng tinh vi và lợi hại hơn. Bên cạnh đó, Moscow cũng có một kho vũ khí phòng không rất đáng gờm.
Các chuyên gia về xung đột cho biết, Ukraine cũng đang ở thế bất lợi vì Mỹ không cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa mà họ đã cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nơi có nhiều máy bay chiến đấu mà Moscow sử dụng để tấn công Ukraine.