Phát hiện mới về “quái vật” Tiên Nữ đe dọa hất văng Trái Đất

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiên Nữ là tên của một thiên hà khổng lồ đang trên đường lao thẳng vào thiên hà chứa Trái Đất.
Phát hiện mới về “quái vật” Tiên Nữ đe dọa hất văng Trái Đất
Thiên hà “quái vật“ Tiên Nữ sẽ tiến gần Trái Đất hơn trong tương lai - Minh họa AI: Anh Thư

Một nghiên cứu mới từ Đại học Helsinki (Phần Lan), Đại học Durham (Anh) và Đại học Toulouse III - Paul Sabatier (Pháp) đã tính toán lại khả năng va chạm giữa thiên hà Milky Way (Ngân Hà) chứa Trái Đất và thiên hà Andromeda (Tiên Nữ) "láng giềng".

Mối hoài nghi về việc Tiên Nữ đang tấn công Ngân Hà đã dấy lên từ năm 1912.

Khi đó, nhà thiên văn học người Mỹ Vesto Slipher phát hiện ra ánh sáng của Tiên Nữ bị dịch chuyển Doppler sang phần màu xanh của quang phổ ánh sáng, cho thấy nó đang tiến gần đến chúng ta.

Cả Tiên Nữ và Ngân Hà đều là những thiên hà thuộc dạng "quái vật" trong vũ trụ, đã từng "ăn thịt" nhiều thiên hà nhỏ khác để đạt được kích cỡ hiện tại. Thậm chí Tiên Nữ còn lớn hơn thiên hà chứa Trái Đất một chút.

Các nghiên cứu sau đó, bao gồm nhiều nghiên cứu được thực hiện chỉ trong vài năm gần đây, cho thấy thiên hà cách 2,5 triệu năm ánh sáng này đang lao về phía chúng ta với tốc độ 110 km/giây. Điều này giúp tính toán ra rằng vụ va chạm có thể xảy ra khoảng 4-5 tỉ năm tới.

Sự đụng độ của hai "quái vật" được tính toán có khả năng làm lệch quỹ đạo các hành tinh của hệ Mặt Trời và đẩy Trái Đất của chúng ta khỏi vùng sự sống Goldilocks của hệ. Điều đó sẽ gây ra sự tuyệt chủng, nhưng tất nhiên nếu như địa cầu khi đó còn sự sống và chưa bị Mặt Trời nuốt chửng trong giai đoạn sao khổng lồ đỏ.

Thế nhưng giờ đây, tính toán của nhóm nghiên cứu Phần Lan - Anh - Pháp lại cho thấy xác suất xảy ra vụ va chạm và sáp nhập giữa hai thiên hà khổng lồ chỉ là 50-50 trong 10 tỉ năm tới.

Họ lập luận rằng những nghiên cứu trước đó đã không tính đến "yếu tố gây nhiễu" là tác động hấp dẫn của các thiên hà nhỏ hơn khác trong nhóm địa phương mà Ngân Hà và Tiên Nữ thuộc về.

Lần này, họ đã đã sử dụng các quan sát từ các kính viễn vọng không gian Gaia và Hubble để ước tính khối lượng, chuyển động và tương tác hấp dẫn của bốn thiên hà lớn nhất thuộc Nhóm Địa phương. Chúng bao gồm các thiên hà Ngân Hà, Tiên Nữ, Tam Giác và Đám mây Magellan Lớn.

Khi thêm vào các yếu tố nhiễu, họ nhận thấy khả năng va chạm giảm đi nhiều. Và nếu có va chạm xảy ra, điều đó sẽ không xảy ra sớm hơn 8 tỉ năm tới.

Như vậy Trái Đất thậm chí khó có cơ hội bận tâm về điều đó, bởi ngôi sao mẹ của chúng ta - Mặt Trời - dự kiến sẽ "chết" trong vòng 5 tỉ năm tới, và chắc chắn gây ảnh hưởng mạnh, nếu không muốn nói là có khả năng phá hủy địa cầu vào cuối vòng đời.

Ngoài ra, còn có một thiên hà khác được dự đoán sẽ va chạm với Ngân Hà là Đám mây Magellan Lớn, một thiên hà vệ tinh của Ngân Hà. Thời điểm va chạm dự kiến là 2 tỉ năm tới.

Nhưng thiên hà vệ tinh này khá nhỏ nên tác động đến Ngân Hà sẽ không lớn như Tiên Nữ, thay vào đó nó có thể trở thành một nạn nhân mới bị Ngân Hà nuốt chửng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật