Tiếp cận di sản theo cách thức mới
Nằm trong chương trình phát triển khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, dự án “Đối diện với vô cùng” vừa được Lên Ngàn, Nhà hát Tuồng Việt Nam và các đơn vị hợp tác thực hiện, với chuỗi sự kiện hướng công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo hơn.
"Đối diện với vô cùng" lưu giữ, tiếp biến và truyền đạt di sản phi vật thể Việt ở một thể dạng mới, lạ lẫm nhưng vẫn giữ tinh thần của sân khấu truyền thống. Không chỉ là sự cách tân hay cải biên, đó là cách nhìn mới, xử lý mới của nghệ sĩ đương đại, trong đó, việc đồng sáng tạo đóng vai trò quan trọng không chỉ trong khuôn khổ của truyền thống, mà mở rộng ra nhiều vùng đất, nhiều miền văn hóa.
Điểm nhấn của vở diễn chính là sự giao thoa giữa vũ đạo tuồng, múa đương đại. Trên nền âm thanh đa dạng, từ tiếng trống, kèn, đàn... của nghệ thuật tuồng đến âm nhạc đương đại thể nghiệm, các nghệ sĩ đã tạo nên một không gian sân khấu vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Sự kết hợp giữa các yếu tố nghệ thuật khác nhau đã giúp khán giả dễ dàng tiếp cận và cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của tuồng, đồng thời khám phá thông điệp nhân văn gửi gắm trong đó.
Giám đốc nghệ thuật của dự án Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết: "Lên Ngàn lựa chọn hình thức sân khấu đương đại thể nghiệm, một chất liệu đo ni đóng giày cho quá trình thực hành thong dong điềm tĩnh vốn có của các nghệ sĩ. Xuyên suốt tác phẩm, các chi tiết chất liệu cổ truyền đan xen với các yếu tố xã hội mang tính đại chúng đóng vai trò như một khung hình - một phép ẩn dụ ý nhị về lề thói và xung đột, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính cơ cấu tồn tại của mỗi người…".
Trước đó, Lên Ngàn đã tổ chức biểu diễn vở sân khấu thể nghiệm “Sơn Hậu - Beyond The Mountain” lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ cùng tên với sự tiếp biến câu chuyện tới hiện tại và tương lai, là điểm kết nối giữa nghệ thuật tuồng truyền thống và nghệ thuật đương đại.
Tháng 6 - 8, nhóm Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) và Nhà hát Nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức loạt 5 talkshow “Ca biện phấn hành” thuộc khuôn khổ của chương trình Hiểu về hát bội mùa hè 2024. Với hình thức diễn thuyết kết hợp biểu diễn minh họa, chương trình là cầu nối cho khán giả tìm hiểu về hát bội (tuồng) một cách bài bản.
Nhiều dự án lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng cũng được nhiều nhóm bạn trẻ thực hiện gần đây, như hoạt động của nhóm Trường ca Kịch viện; talkshow và biểu diễn nghệ thuật mang tên "Tuồng kể" của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); hay dự án “Họa sắc tuồng ca” của Vietnamme…
Gắn kết với công nghiệp văn hóa
Làm việc với Nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 2015 nhằm giới thiệu nghệ thuật tuồng tới sinh viên, TS. Lư Thị Thanh Lê, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tuồng có vẻ đẹp từ phục trang, nhân vật có khuôn mẫu đẹp, chuyển động của nghệ sĩ điêu luyện. Thời gian đầu, khi được giới thiệu, nhiều sinh viên có định kiến tuồng khó tiếp cận, nghe tuồng thấy xa lạ. Hơn nữa, một vở tuồng thường kéo dài khoảng 2 tiếng trong khi giới trẻ thường xem nghệ thuật hiện đại thời lượng ngắn. Nhưng sau khi tìm hiểu sâu hơn, các bạn trẻ rất cảm động và ngỡ ngàng vì lần đầu được đến với loại hình nghệ thuật tuyệt vời như vậy.
Theo dõi các hoạt động liên quan đến nghệ thuật tuồng, TS. Lư Thị Thanh Lê trăn trở: “Cần có giải pháp để tôn vinh tuồng như những nước khác tôn vinh các loại hình nghệ thuật cổ xưa, thu hút công chúng đương đại đến với truyền thống. Chúng tôi băn khoăn làm sao nghệ thuật tuồng có thể biểu diễn hàng ngày, có lượng công chúng lớn. Khi giới thiệu loại hình nghệ thuật này tới khách quốc tế, cần nỗ lực giúp họ hiểu, thấy được tinh hoa của tuồng trong thời gian ngắn qua các trích đoạn mẫu mực”.
Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đang được thúc đẩy, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn vẹn nguyên di sản nghệ thuật tuồng, cần có cơ chế hợp tác giữa các nhà hát và các đơn vị tham gia hỗ trợ để chuyển hóa kịch bản tuồng thành phiên bản ngắn gọn, kèm lời giới thiệu để mọi người hiểu nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, từ trang phục, hóa trang, vũ đạo, nội dung… Thúc đẩy sự kết hợp giữa nghệ sĩ tuồng và nghệ sĩ đương đại, làm cho chất liệu truyền thống biến đổi linh hoạt, bên cạnh kinh điển có phiên bản mới, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khán giả hiện nay.
Theo Nguyễn Quốc Hoàng Anh, nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng, sở hữu nhiều tiềm năng, có thể mở rộng biên độ, không chỉ phát triển về nghệ thuật đương đại mà còn phát triển ngoại giao văn hóa. Nhìn về di sản nghệ thuật tuồng, ta có thể thấy sự trình hiện bao hàm nhiều yếu tố về tri thức, lịch sử, tính bản địa, thể hiện trong diễn xuất, trong nội dung vở diễn...
Bởi vậy, những sáng tạo đưa nghệ thuật tuồng vào chuỗi hoạt động, gói dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ giúp tuồng dần trở nên thân thuộc với công chúng, góp phần quan trọng gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật này trong đời sống đương đại.