Hơn 10 năm về trước, câu chuyện tình yêu của cặp đôi "ông cháu" nên duyên vợ chồng khiến người dân xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục, Hà Nam) ai nấy cũng đều bất ngờ. Đó ông Nguyễn Thanh Học (84 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bích (41 tuổi).
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng ông Học được chính quyền địa phương, người dân xây tặng
Sau kết hôn, họ sinh được 3 người con. Trong đó, hai người con đầu sinh đôi năm nay 11 tuổi và một cô con gái 8 tuổi.
Câu chuyện tình yêu sét đánh của cặp vợ chồng "ông cháu"
Ghé thôn 1 Ngô Khê (xã Bình Nghĩa) vào một ngày tháng 7, men theo con đường làng hỏi về cặp đôi "đũa lệch" chồng 84 – vợ 41, chúng tôi được chỉ đến một căn nhà cấp 4 đơn sơ, giản dị xen giữa những ngôi nhà cao tầng.
Khi nghe thấy có người gọi ngoài cổng, một bé gái khoảng chừng 8 tuổi nhanh nhảu chạy ra lễ phép hỏi và mời chúng tôi vào. Thấy có khách đến, ông Học lom khom đi từ trong nhà ra tiếp đón.
Ông bảo: "Gia đình hoàn cảnh khó khăn, chẳng có nổi một chiếc bàn để ngồi uống nước. Mong cô chú thông cảm". Sau đó, ông lấy vài chiếc ghế nhựa mời chúng tôi ngồi.
Ngồi trò chuyện, ông Học không ngần ngại khi kể cho chúng tôi nghe về những "trang đầu" mối tình sét đánh của mình.
Thời trẻ, cuộc sống khó khăn, ông mưu sinh bằng việc lượm ve chai đem bán đồng nát kiếm sống qua ngày.
Do sức khỏe yếu nên ông Học chỉ làm được những công việc nhẹ
Rồi bỗng một ngày, hạnh phúc đã mỉm cười với ông Học khi ông gặp được chị Bích. Lúc đó, ông Học đã ngoài 70 tuổi. Những ngày đầu mới gặp, thấy ông Học có hoàn cảnh khó khăn, sống neo đơn nên chị Bích thấy thương và thường xuyên sang giúp đỡ. Sau một khoảng thời gian tiếp xúc, họ nảy sinh tình cảm lúc nào chẳng hay.
"Lúc đó Bích tán tôi, chứ tôi không tán cô ấy. Bởi khi ấy mình già, nhà thì dột nát, tiền không có, làm sao dám nghĩ đến chuyện yêu đương hay lấy vợ. Năm bấy giờ Bích 29 tuổi, có nhiều sự lựa chọn nhưng không hiểu sao cứ nhất quyết muốn làm vợ tôi", ông Học nói.
Lo sợ chị Bích phải chịu khổ nên đã không ít lần ông Học khuyên nhủ mong rằng cô gái 29 tuổi có thể hiểu.
"Lúc bấy giờ, tôi cũng khuyên nhiều lắm. Mẹ và người thân của Bích cũng can ngăn nhưng không được. Bích nhất định muốn sống bên tôi cả đời. Thấy cô ấy thật lòng như vậy nên tôi đồng ý", ông Học nhớ lại.
Ngày ông Học cùng chị Bích đăng ký kết hôn và chuẩn bị làm đám cưới, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bên cạnh đó, cặp đôi này nhận không ít lời bàn tán, xôn xao và dị nghị của nhiều người.
Ông Học cùng 2 người con của mình
Bỏ qua sự gièm pha, bàn tán của mọi người, cặp vợ chồng "đũa lệch" sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ. Vài tháng sau hôn nhân, ông Học vui mừng khi biết tin vợ mình mang thai. Đi xét nghiệm, vợ chồng ông được thông báo là một cặp song sinh. Niềm vui vỡ òa khi ông Học trở thành cha ở độ tuổi 73 khiến nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ và ghen tị.
Vợ chồng ông Học đặt tên cho bé trai là Ngô Thanh Tiên (11 tuổi) và bé gái là Ngô Thị Thu (11 tuổi). Vài năm sau, gia đình ông Học đón thêm một thành viên mới. Đó là một bé gái, vợ chồng ông Học đặt tên con là Ngô Thị Tuyết Linh (8 tuổi).
"Tất cả đều do chữ "duyên" mà đến. Chứ nếu đã không có "duyên" thì mình muốn cũng chẳng được", ông Học vui vẻ nói.
"Thương tôi và các con, cô ấy đi làm suốt ngày"
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, ông Học cho biết, hồi mới lấy chị Bích, vợ chồng ông vẫn sống trong căn nhà dột nát chưa được 10m2.
Trong căn nhà cấp 4 không có đồ vật gì có giá trị
Ngoài hiên là những bao thóc được xếp cùng những đồ vật cũ kĩ
Sau đó, vợ chồng ông Học được chính quyền địa phương, người dân giúp đỡ xây dựng một căn nhà cấp 4. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, căn nhà đang có dấu hiệu xuống cấp. Bên trong căn nhà không có đồ vật gì có giá trị, phía ngoài hiên là những vài bao thóc được xếp cạnh những đồ vật cũ kĩ.
Ông Học tâm sự: "Tôi già nên sức khỏe yếu, giờ chẳng làm được gì. Hoàn cảnh gia đình thì khó khăn, mọi thứ đều do vợ gánh vác. Thương tôi và các con, cô ấy đi làm suốt ngày, chẳng dành chút thời gian để nghỉ ngơi. Nhiều lúc thấy thương vợ, tôi bảo "làm gì thì làm nhưng vừa thôi, nhỡ đổ bệnh ra đấy ai chăm được.
Lần nào tôi khuyên, vợ tôi đều nói "vâng" nhưng sau vẫn vậy. Chẳng dành chút thời gian cho bản thân".
Do ông Học sức khỏe yếu, vợ bận bịu kiếm tiền lo cho gia đình nên các con của ông tự bảo nhau dọn dẹp nhà cửa
Theo đó, để kiếm thêm thu nhập, ngoài làm ruộng, hễ có thời gian rảnh chị Bích lại đi may gấu bông cho một cơ sở gần nhà. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, chị Bích còn phải dành dụm từng chút lo tiền học, lo tiền chi phí ốm đau đột xuất.
"Khoảng một năm trước, tôi đang đi trên đường thì một thanh niên lao nhanh về hướng mình. Thấy vậy tôi phanh để tấp vào lề, ai ngờ do phanh gấp quá nên mình bị ngã thụt xuống cống. Lúc đó tôi đau lắm, nhưng vẫn cố dắt xe về nhà.
Về đến nhà vợ thấy vậy bắt tôi phải đến bệnh viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ bảo chân bị gãy phải phẫu thuật. Chi phí hết 70 triệu, may được mạnh thường quân giúp đỡ. Nhưng khi ra viện, chân tôi cũng không thể đi lại bình thường và cũng chẳng thể đi làm gì được", ông Học nói.
Ông học cho biết, trước đây gia đình phải đựng nước bằng chai. Sau đó, ông xây một bể nước nhỏ cạnh nhà
Thế nhưng, hơn một năm trở lại đây, bể nước bị rò rỉ nên vợ chồng ông Học quyết đình mua một bể nước mới. "Tôi mua của người quen nên họ cho nợ, khi nào có thì trả sau", ông Học nói.
Hơn một tháng sau khi ông Học ra viện, tình trạng sức khỏe của chị Bích có dấu hiệu suy giảm, ho kéo dài. Sau đó, chị đến bệnh viện được các bác sĩ chuẩn đoán bị viêm phổi.
"Khổ lắm, tôi vừa mới phẫu thuật xong chưa được bao lâu thì vợ lại bị bệnh. Gia đình đã khó khăn lại càng trở lên eo hẹp hơn nhưng cũng chả biết làm thế nào. Tôi khổ quen rồi chẳng sao nhưng nhìn vợ và các con phải chịu khổ cùng mình, thương lắm. Nhiều lúc tôi khóc, khóc trong lòng mà chẳng dám nói ra", ông Học nghẹn ngào nói.
Mong các con có cuộc sống tốt hơn
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc ông Học lại đi đến mở vung nồi cơm và dùng đôi đũa quấy đều. Ông bảo nay vợ và con gái sang nhà ngoại, chỉ còn 3 bố con ở nhà nên nấu cháo.
Do hoàn cảnh khó khăn nên bữa cơm của gia đình ông Học rất đơn giản
Ông Học cho hay, do hoàn cảnh khó khăn nên bữa cơm cũng rất đơn giản. "Thường bữa cơm của gia đình tôi có rau muống luộc hoặc rau rền. Gạo thì của nhà, rau thì đi hái ở bờ mương. Thi thoảng đổi bữa có thêm món đậu, trứng hoặc chút thịt. Không có gì thì gia đình tôi ăn cháo", ông Học nói.
Sau đó, ông Học chỉ tay về hướng hai đứa con đang ngồi học và bảo: "Gia đình khó khăn nhưng lúc nào cũng có tiếng cười của tụi nhỏ. Tôi thì chẳng dạy học được, vợ thì bận bịu cả ngày. Nhiều lúc tôi chỉ khuyên các con cố gắng học để sau này trở thành người có ích cho xã hội".
Khi được hỏi về mong muốn của bản thân, ông Học bảo rằng chỉ mong cho các con học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, lớn lên đi làm kiếm tiền phụ giúp lo cho gia đình để chị Bích đỡ khổ.
Theo đó, ông Học cho biết, kể từ khi sau hôn nhân đến thời điểm hiện tại, gia đình ông luôn sống trong cảnh nghèo túng. Hiện, gia đình 5 người chỉ trông chờ chủ yếu vào khoản lương trợ cấp phục viên hơn 2 triệu đồng/tháng của ông và số tiền ít ỏi của chị Bích kiếm được.
"Nhờ chính quyền địa phương, các mạnh thường quân và người dân giúp đỡ nên chúng tôi mới có đủ chi phí nuôi các con ăn học đến bây giờ", ông Học nói thêm.
Tiên chăm chú dạy em gái học bài
Trong căn buồng nhỏ của ngôi nhà cấp 4, Tiên vẫn luôn quan sát dạy em gái học bài. Khi thấy chúng tôi vào, Tiên và Linh lễ phép chào hỏi. Tiên hí hửng nói: "Bọn con đang ôn lại kiến thức để chuẩn bị bước vào năm học mới".
Tâm sự với chúng tôi, Tiên bảo: "Gia đình con nghèo lắm, lúc nhỏ con thường bị các bạn nói nhà nghèo, bố già khiến con cảm thấy buồn và tủi thân. Vì vậy, con càng phải cố gắng học thật giỏi.
Con ước mơ sau này lớn lên mở nhà hàng, kiếm thật nhiều tiền để xây nhà mới, chăm sóc và nấu cho bố mẹ thật nhiều món ăn ngon. Vì bố mẹ thương yêu chúng con lắm".
Nhìn nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ khiến chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Bởi, cuộc sống nay đói mai no thì tương lai của các em sẽ phải đối diện với muôn trùng khó khăn, đầy bất trắc.