Thành tích học tập ở trường phần nào nói lên sự thông minh chăm chỉ của con trẻ. Điều đó rất đáng khuyến khích. Nhưng nếu chỉ tập trung vào thành tích học tập mà quên những yếu tố dưới đây thì cuộc đời con trẻ vẫn có thể bi đát. Vì thế cha mẹ cần dạy và làm gương cho con càng sớm càng tốt về 5 điều này:
Lòng biết ơn
Lòng biết ơn là truyền thống tốt đẹp của con người và người ta nhận thấy những người có lòng biết ơn mới thực sự giàu có. Những người vô ơn thường sẽ lụn bại. Khi cuộc sống thuận lợi, nhiều đứa trẻ quá dễ dàng có được mọi thứ nên lại nảy sinh vô ơn, không biết trân trọng những thứ mình có được. Vì thế hãy dạy cho con về lòng biết ơn. Hãy dạy con biết cám ơn, biết trân trọng những thứ nhận được trong cuộc sống. Cha mẹ tất nhiên phải làm gương bởi chúng ta không thể nói suông với trẻ. Hơn nữa để dạy về bài học biết ơn, trẻ cần được dạy về cuộc sống "vừa đủ", hơn là luôn được dư thừa. Mọi thứ dư thừa và có được quá dễ dãi sẽ khiến cho trẻ không biết trân trọng những gì có được.
Lòng biết ơn giúp trẻ tiến xa hơn trong cuộc đời
Lòng trung thực
Người ta nói rằng nhân chi sơ tính bản thiện, trẻ con là thật thà nhất, thói quen nói dối chính là học từ người lớn. Có 2 loại môi trường có thể ảnh hưởng đến hành vi nói dối của trẻ: môi trường ảnh hưởng lâu dài (từ cha mẹ chúng) và môi trường ngắn hạn (từ bạn bè, thần tượng, anh chị,…). Tránh cho con tật nói dối cha mẹ cần luôn luôn rộng lượng với hành động của con, cảm thông khi con mắc lỗi, và chỉ cho con cách khắc phục. Tất nhiên cha mẹ phải là tấm gương về lòng trung thực trước khi yêu cầu con điều đó.
Đừng phán xét
Cha mẹ nên tránh phán xét nhau, phán xét người thân, người khác trước mặt con trẻ. Phán xét người khác gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ích kỷ trong gia đình. Người lớn cần hướng dẫn con trẻ trong cách nói chuyện, dùng ngôn từ. Khi con nói những câu như "chú này mập quá", "cô ấy xấu quá mẹ"… lúc này bạn chỉ đơn giản nói "mẹ không biết, và mẹ cũng không nhận xét ai con ạ", tránh việc cười đùa xem đó là vui vẻ thông minh.
Học về thất bại và chấp nhận sai để sửa sai
Không ai hoàn hảo và những đứa trẻ của chúng ta cũng vậy. Nhưng quan trọng là học để nhận ra thất bại và can đảm sửa sai. Không chấp nhận thất bại, không dám nhận sai để sửa sai mới thực sự đáng sợ. Bởi đó sẽ là cuộc khủng hoảng kinh hoàng. Trước sai lầm của con nên tránh chỉ trích trừng phạt nặng nề mà hãy phân tích cho con hiểu con sai, con cần nhận trách nhiệm và cha mẹ đồng hành cùng con trong việc sửa sai.
Lắng nghe trước khi nói để không trở thành người thiển cận
Lắng nghe trước khi nói
Cha mẹ muốn con học được sự lắng nghe thì chính cha mẹ phải biết lắng nghe con mình. Trẻ có thể diễn đạt chậm, khó diễn đạt nên bạn cần kiên nhẫn với trẻ nhỏ. Lời nói quát mắng với trẻ là ví dụ để trẻ học về sự yếu kém trong khả năng lắng nghe của người lớn. Khi lớn trẻ sẽ dùng cách này để giao tiếp lại với chúng ta. Bạn cũng cần lắng nghe con và tôn trọng con. Từ đó trẻ sẽ học được tính cách này. Khi trẻ có hành vi nói leo, tranh nói với người khác, mặc dù bạn thấy không ổn nhưng hãy để con nói hết câu rồi mới đề nghị con lắng nghe người khác, cha mẹ cũng tránh không nói xen vào.
Biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân
Sức khỏe và tự chăm sóc bản thân là chìa khóa để con người tự lập. Do đó ngay từ nhỏ cha mẹ cần dạy con hiểu về tầm quan trọng của sức khỏe và tự chăm sóc mình tự biết mặc quần áo, nấu ăn, tắm giặt... Vì thế cha mẹ cần dạy con những điều này thật sớm và cho con tập làm những việc phù hợp với độ tuổi, tránh làm thay con, tránh ôm đồm yêu chiều con.
Khi con trẻ dựa dẫm quá nhiều vào cha mẹ chúng sẽ thành bầy cừu luôn trong tầm ngắm của bầy sói. Cha mẹ không thể theo con quan sát con, bảo vệ con mãi nên tự lập biết chăm sóc sức khỏe chính là cách cha mẹ cần dạy cho con.
Những đứa trẻ tự lập biết chăm sóc bản thân khi ra ngoài đời luôn được yêu quý và sống vững vàng không lệ thuộc người khác.