Anh Phạm Duy Khánh là nông dân điển hình nuôi cá dứa thành công tại xã Lý Nhơn, Cần Giờ, Tp.HCM. Mỗi vụ nuôi cá dứa, anh Khánh có doanh thu khoảng 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chia sẻ với Báo , anh cho biết đến nay việc nuôi cá dứa hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cá dứa giống tự nhiên. Việc nuôi cá dứa có sản lượng ít hay nhiều mỗi vụ phải trông chờ vào nguồn cá trên sông. Trước khi bước vào vụ nuôi cá dứa, anh Khánh phải đặt cá dứa giống từ những ngư dân ở Bến Tre, Sóc Trăng…
Cá dứa từ Việt Nam bơi ngược dòng sông Mekong lên Campuchia để chuẩn bị sinh sản. Sau đó, trong khoảng từ tháng 9 – 12 (âm lịch), cá sẽ đẻ trứng. Trứng cá trôi xuôi về Việt Nam nhờ dòng nước nổi của sông Mekong và nở thành cá bột (dài 3 – 4cm/con).
Lúc này những người chuyên đánh bắt cá dứa giống ở Việt Nam sẽ đi thu bắt cá dứa bột. Sau khi đánh bắt, họ đưa cá dứa bột về thuần dưỡng thành cá giống. Sau khoảng 1 tháng thuần dưỡng, họ bán lại cho nông dân nuôi cá dứa thương phẩm.
"Thường tôi mua cá dứa giống dài 8 – 10cm. Giá cá dứa giống 20.000 đồng/con", anh Khánh cho hay.
Nhân công xử lý nước cho ao nuôi cá dứa của anh Khánh.
Theo anh Khánh, hiện anh thả nuôi cá dứa giống với mật độ nuôi 2 con/m2. Được biết, ở xã Lý Nhơn, có nông dân thả nuôi mỗi con cá dứa giống/m2. Mặc dù, cá dứa với giống tự nhiên, trong quá trình đánh bắt ít nhiều gây xây xát, thương tật, nhưng anh Khánh vẫn nuôi đạt đầu cá thu hoạch đến 90%.
Theo anh Khánh, nuôi cá dứa không khó. Cá dứa có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cá cũng bị bệnh ký sinh trùng. Vì thế, xử lý nước cho sạch bệnh trước khi thả giống và xử lý nước định kỳ mỗi tháng là hết sức quan trọng. "Sau thu cá xong là phải xả hết nước ra, vét hết bùn trong bao mới nuôi cá dứa tiếp vụ sau", anh Khánh thổ lộ.
Theo anh Khánh, nuôi cá dứa ít rủi ro hơn nuôi tôm. Ảnh: Báo
Anh Khánh chia sẻ, nuôi cá dứa ít rủi ro hơn nuôi tôm, và giá trị gấp 5 lần nuôi cá tra. Mỗi vụ nuôi cá dứa mất khoảng 1 năm. Lúc này, trọng lượng cá 1,5 – 2kg/con. Đây là thời điểm thu hoạch cá cho lợi nhuận cao nhất.
Tuy nhiên, hiện một số thương lái ở Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mua cá dứa của anh với trọng lượng từ 2kg trở lên.
Thời gian qua, anh Khánh nuôi cá dứa và bán cho các vựa thu mua cá trên địa bàn để làm cá khô. Một số thương lái từ chợ đầu mối nông sản Bình Điền (Tp.HCM) cũng về thu mua để bán cá tươi. Mỗi năm anh bán ra khoảng 50 tấn cá dứa. Với giá cá dứa tươi hiện là 150.000 đồng/kg, anh Khánh có doanh thu hơn 7 tỷ đồng.
Tại xã An Thới Đông, ông Văn Hữu Lạc cũng theo nghề nuôi cá dứa khoảng 2 năm nay. Ông Lạc đang nuôi cá dứa với 2 ao, khoảng 1ha mặt nước. Mỗi ao cá dứa (500m2/ao) chi phí đầu tư mất khoảng 1 tỷ đồng.
"Tùy theo túi tiền mạnh yếu, mà nông dân nuôi cá dứa chọn thời điểm thu hoạch. Cá nuôi được 1 năm có trọng lượng 1,5kg, nuôi 2 năm trọng lượng cá 2 – 3kg. Thương lái mua cá có trọng lượng 1,5 – 3kg. Cá càng lớn giá trị càng cao", ông Lạc thổ lộ.
Được biết, hiện 4 xã phía Bắc huyện Cần Giờ là Lý Nhơn, An Thới Đông, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp có nuôi cá dứa. Những xã phía Nam do độ mặn nước cao nuôi cá dứa chậm lớn nên chưa ai nuôi.
UBND huyện Cần Giờ cho biết, thời gian tới huyện sẽ tập trung hỗ trợ người dân phát triển hơn nữa việc nuôi đặc sản cá dứa.
Bên cạnh nghề nuôi cá dứa, hiện ở Cần Giờ có gần 70 cơ sở làm khô đặc sản cá dứa, trong đó có cơ sở xuất khẩu cá dứa. Các sản phẩm đặc sản cá dứa Cần Giờ được kiểm định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá cá dứa tươi được bán 120.000 - 150.000 đồng/kg, giá đặc sản cá dứa khô 300.000 - 350.000 đồng/kg.