Lắng nghe nhân dân trong sắp xếp đơn vị hành chính
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, đến nay đã có 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể.
Trong đó cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị; cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.
Tính đến ngày 30/6/2024, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ của nhiều địa phương trong cả nước đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ trong các công việc trọng tâm, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Nhiều địa phương đã triển khai ngay công tác này, gắn phương án tổng thể với quy hoạch của địa phương, công khai với người dân; đảm bảo việc sắp xếp lại đơn vị hành chính nhưng không làm xáo trộn việc học tập, khám chữa bệnh của nhân dân…
Đặc biệt, nhiều địa phương trong diện sắp xếp rất chú trọng lấy ý kiến nhân dân về tên gọi đơn vị hành chính mới nên nhận được sự đồng thuận cao.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long
Ông Triệu Đức Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định nói: "Nam Định đặt ra nguyên tắc là giữ đúng tên gọi truyền thống, tên gọi có yếu tố lịch sử, văn hóa, bàn kỹ với người dân. Nếu có vướng mắc thì bàn với người dân để đồng thuận nên toàn bộ các đơn vị tại Nam Định về tên gọi người dân đồng thuận rất cao, ghi nhận trên 90% là chủ yếu, có nơi là 100%".
Cải cách chính sách tiền lương tạo không khí phấn khởi
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lĩnh vực nội vụ ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động bộ máy, con người, tác động rộng. Do đó việc gì cũng phải thận trọng, kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo với mục tiêu lớn nhất là xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả... cả ở Trung ương và địa phương.
Thời gian qua, ngành nội vụ đã nỗ lực quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ mới, khó, phức tạp và đã thành công. Cụ thể đã tham mưu cải cách chính sách tiền lương chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo yếu tố bao trùm và hiệu quả, tạo không khí phấn khởi, hài lòng.
Quang cảnh hội nghị
"Khó vô cùng nhưng đây là sự thử thách, đáp ứng sự mong đợi kỳ vọng của tất cả các đối tượng có liên quan, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị thiệt thòi trong các chủ trương chính sách liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp và trợ cấp", bà Trà nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngành nội vụ đang làm một việc có tính cách mạng trong bộ máy là đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…Đến nay đã có thành công rất rõ, giải quyết căn bản các hạn chế vướng mắc phát sinh và đang đẩy nhanh tiến độ.
Thời điểm này có 28/53 đơn vị nằm trong diện sắp xếp đã hoàn thành đề án, Bộ đã thẩm định 14 hồ sơ, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 hồ sơ; trong đó tiêu biểu là các địa phương Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Tuyên Quang,…đã rất chủ động, thực hiện hiệu quả.
Toàn ngành nội vụ đang tiếp tục bám sát chủ trương chính sách của Đảng trong sắp xếp bên trong các đơn vị và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành địa phương…Ngành nội vụ đã hoàn thành đề án vị trí việc làm, không cầu toàn mà sẽ dần dần từng bước. Điểm sáng nữa là cải cách hành chính, cải cách thể chế, chuyển đổi số; việc đào đạo nhân lực trong khu vực công được quan tâm, chú trọng công tác cán bộ…
Đại biểu tham dự hội nghị.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như hệ thống thể chế còn chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn và cần phải tiếp tục sửa một số luật để hóa giải vấn đề này; qua đó ngăn chặn tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, không dám làm…Ngoài ra, tiến độ sắp xếp so với yêu cầu vẫn còn chậm, cải cách hành chính, việc phối hợp có mặt còn chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
Trong thời gian còn lại của năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị cần tập trung hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền sửa một số luật; các địa phương chủ động tham mưu cơ chế chính sách về việc sắp xếp đơn vị hành chính, việc thu hút cán bộ chất lượng cao; nghiên cứu thực tiễn để tháo gỡ khó khăn về tổ chức biên chế.
Tập trung cao độ cho hai nhiệm vụ lớn là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã, nếu địa phương nào không hoàn thành phải chịu trách nhiệm trước Trung ương; bắt buộc trong năm 2024 phải xong và Bộ sẽ làm việc với các địa phương có dấu hiệu chậm trễ, chần chừ…Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp bộ máy, giảm biên chế; quan tâm, đẩy lùi tình trạng cán bộ né tránh với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi", phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và đào tạo cán bộ.
Cũng tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã phát động phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành nội vụ.