Trước thế kỷ XVII hồ có tên là “Lamu”, theo ngôn ngữ Evenk có nghĩa là “Biển”. Sau này, hồ được người Buryati gọi là “Baigal” và để nghe thuận tai với cách nói của người Nga hơn, chữ “G” được đổi thành chữ “K”. Cái tên Baikal theo ý nghĩa và âm tiết của tiếng Arab còn có nghĩa là “Biển hồ vô vàn giọt nước mắt”.
Sách kỷ lục Guinness đã ghi nhận hồ Baikal tại Nga là hồ sâu nhất thế giới, có diện tích bằng cả nước Bỉ và lưu trữ tới 20% lượng nước ngọt trên toàn bộ Trái đất. Chính vì vậy, nơi đây còn có các tên gọi đặc biệt như là "Suối nguồn thế giới", “Hồ mặt trăng”, “Bắc Hải”, "Hòn ngọc nước Nga"
Nếu tất cả các nguồn nước ngọt khác trên Trái đất cạn kiệt, nước ở hồ Baikal cũng đủ dùng cho cả nhân loại trong vòng 40 năm.
Đến tận bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác hồ Baikal đã bao nhiêu tuổi. Hầu hết các giả thuyết đều cho rằng tuổi của hồ Baikal khoảng từ 25 đến 30 triệu năm. Nếu giả định này là đúng thì hồ Baikal là hồ lâu đời nhất trong số các hồ cổ xưa.
Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh hồ Baikal. Đặc biệt nhất trong số đó là câu chuyện có tới 1.600 tấn vàng dưới đáy hồ sâu nhất thế giới này, kho báu này được ước tính có giá trị lên tới 90 tỷ USD.
Năm 1999, người ta phát hiện ra những vòng tròn trên mặt hồ Baikal khi nước đã đóng băng. Sau đó, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra vào các năm 2003, 2005, 2008 và 2009. Nhiều giả thuyết cho rằng, đó là dấu vết của những người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại lí giải rằng đây là hiệu ứng của khí thải methane từ trầm tích dưới đáy hồ.
Theo dân gian tương truyền rằng, hồ nước này có năng lực ma thuật siêu nhân nào đó, có thể giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Chính vì vậy có không ít người sẵn sàng ngâm mình trong nước ở nhiệt độ -5 độ C.
Sự kỳ bí vẫn chưa dừng lại, bản thân những người sống quanh hồ còn kể rằng, thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ: từ hình lâu đài, cho tới xe lửa, tàu thuyền... Thậm chí vào ban đêm, người dân còn nhìn thấy hồ phát ra ánh sáng rất đáng sợ. Các nhà khoa học cho rằng, nhiều khả năng, những hình ảnh mà người dân địa phương mô tả, chỉ là các ảo ảnh được tạo ra bởi ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm trong không khí, bề mặt trên và dưới nước của hồ Baikal.
Ngoài ra, Baikal còn là “ngôi nhà” của hơn 2.500 loài động thực vật khác nhau. Một số loài động vật quý hiếm nổi tiếng chẳng hạn như loài cá Golomyanka độc đáo với thân trong suốt và không đẻ trứng mà đẻ ra cá con hay loài hải cẩu có tên gọi Nerpa Baikal.
Loài hải cẩu đặc biệt Nerpa Baikal, chỉ sinh sống ở hồ này.