Nắng nóng đỉnh điểm tại 20 thủ đô đông dân nhất thế giới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các thủ đô lớn nhất thế giới, đặc biệt ở châu Á, đang trải qua nhiều ngày nắng nóng hơn bao giờ hết do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao trên toàn khu vực.
Nắng nóng đỉnh điểm tại 20 thủ đô đông dân nhất thế giới
Các thành phố châu Á liên tiếp ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Ảnh: HKTDC.

20 thành phố đông dân nhất thế giới - nơi sinh sống của hơn 300 triệu người - đã chứng kiến mức tăng 52% về số ngày nhiệt độ vượt ngưỡng 35 độ C trong 3 thập kỷ, theo phân tích công bố ngày 28/6 của viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED). Buenos Aires (Argentina), Paris (Pháp) cho đến Cairo (Ai Cập) đều có mặt trong danh sách này.

Nghiên cứu cho thấy lượng phát thải khí nhà kính tăng lên qua mỗi thập kỷ tỷ lệ thuận với sức nóng mà các thành phố thủ đô phải trải qua. Bằng chứng là các thành phố ghi nhận ngày càng nhiều ngày nắng nóng cực hạn, đe dọa sức khỏe con người, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng.

"Biến đổi khí hậu không chỉ là hiểm họa tương lai - nó đã xảy ra và dần trở nên tồi tệ hơn", Tucker Landesman - nhà nghiên cứu cấp cao của IIED - bày tỏ.

Dẫn chứng được Landesman đề cập là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, tức khu vực đô thị ấm hơn đáng kể so với vùng ngoại ô xung quanh vì có nhiều công trình nhân tạo như đường sá, tòa nhà...

Đó là lý do mà các thành phố châu Á - chiếm khoảng một nửa số thủ đô đông dân nhất thế giới - liên tiếp ghi nhận mức nhiệt kỷ lục qua các đợt nắng nóng gần đây, trải dài từ Đông Nam Á đến Trung Quốc và Ấn Độ.

Đặc biệt, châu Á dễ bị tổn thương trước các rủi ro về khí hậu do đông dân, chịu cảnh nghèo đói và nhiều người sống ở vùng trũng thấp, dễ ngập lụt do mưa bão, nước biển dâng hay các thảm họa thiên nhiên khác.

Ngôi đầu bảng

New Delhi đứng đầu danh sách các thành phố nóng nhất thế giới, với 4.222 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C trong 3 thập kỷ qua - nhiều hơn bất kỳ thành phố nào được thống kê.

Từ năm 2014 đến 2023, dưới một nửa (44%) số ngày ở thủ đô Ấn Độ đạt mức đó, so với 35% từ năm 1994 đến 2003 và 37% từ năm 2004 đến 2013.

Cuối tháng 5, một phần của Delhi chạm ngưỡng 49,9 độ C - nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận, gây căng thẳng cho lưới điện và nguồn cung của Ấn Độ. Thời tiết nóng bức kéo dài đến tận đêm, khiến người dân trằn trọc không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Người lao động ngoài trời là đối tượng dễ bị tổn thương bởi nắng nóng. Ảnh: Bloomberg.

“Chúng tôi đã sống ở đây 40 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến mùa hè nào như thế này. Chúng tôi chỉ lấy nước 1 lần/ngày. Trời rất nóng nên trừ khi bạn đổ đầy xô và để nguội cả ngày, nếu không thì không thể tắm bằng nước đó”, Kalyani Saha, cư dân 60 tuổi ở Lajpat Nagar, Đông Nam Delhi, nói với CNN.

Tài xế xe kéo tên Sagar Mandal (39 tuổi) ở Delhi cho biết những ngày nắng rất ế khách, bởi mọi người chọn di chuyển bằng taxi có máy lạnh thay vì "phơi mình" ngoài trời.

“c‌ơ th‌ể tôi không chịu nổi nhưng phải tiếp tục mưu sinh. Dù quen lao động chân tay, chúng tôi nhận thấy đợt nắng nóng này không bình thường, phải có gì đó thay đổi", Sagar Mandal chia sẻ.

Những kỷ lục khác

Thủ đô Jakarta của Indonesia chứng kiến một trong những bước nhảy vọt lớn nhất về số ngày nhiệt độ trên 35 độ C trong 30 năm qua: từ 28 ngày (1994-2003) lên 167 ngày (2014-2023).

Cùng lúc đó, Seoul (Hàn Quốc) và Bắc Kinh (Trung Quốc) trải qua sự gia tăng đáng kể về những ngày cực nóng. Năm 2018, Seoul ghi nhận 21 ngày nhiệt độ vượt mức 35 độ C - nhiều hơn 10 năm trước cộng lại. Còn số ngày nhiệt độ trên 35 độ ở Bắc Kinh đã tăng 309% kể từ năm 1994.

Nhiệt độ ở các thành phố không chỉ tăng cao mà còn kéo dài thành đợt nắng nóng dị thường. Nguyên nhân chính có thể là chính phủ các nước không đạt mục tiêu về khí hậu, cũng như không hạn chế lượng khí thải.

Tháng 10/2023, Jakarta đã trải qua 30 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 35 độ C - nhiều ngày hơn so với toàn bộ giai đoạn từ năm 1994 đến 2003.

Nhiều nước châu Á "oằn mình" chống chọi nắng nóng. Ảnh: NYTimes, Yonhap, China Foto Press, VCG.

Nhiệt độ cực cao có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt với nhóm người dễ bị tổn thương, không được tiếp cận nơi mát mẻ.

Trẻ nhỏ, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn cả. Chưa kể, nắng nóng cũng ảnh hưởng đến công việc của người lao động phi chính thức hoặc lao động theo giờ. Họ phải lựa chọn giữa ở nhà không lương hoặc làm việc trong điều kiện ngoài trời nguy hiểm.

Bên cạnh con người, nắng nóng còn gây tổn hại cho nền kinh tế, làm hư hại mùa màng, vật nuôi và giảm năng suất lao động, đặc biệt ở nơi không có điều hòa, người lao động cần nhiều thời gian nghỉ ngơi và bù nước.

Nhiệt độ cực cao cũng tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc, đường bộ, dây điện và đường sắt, ngoài ra làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây mất điện và dịch bệnh.

Nắng nóng cực độ từng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD kể từ đầu những năm 1990. Các quốc gia nghèo nhất và phát thải thấp nhất lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề, một nghiên cứu của Đại học Dartmouth (Mỹ) vào năm 2022 cho hay.

Từ đây, Tucker Landesman - nhà nghiên cứu cấp cao của IIED - nhận định: “Việc ứng phó thách thức về sóng nhiệt cực đoan đòi hỏi hành động mạnh mẽ từ các nhà hoạch định chính sách, bao gồm đầu tư nghiêm túc để thích ứng thực tế mới này. Với nhiều thành phố, đây không phải vấn đề thiếu kiến thức, khả năng hay nguồn lực, mà là do thiếu ý chí chính trị và công cụ quản lý".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật