Ổn định chính sách tiền tệ trong môi trường nhiều biến động

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ và tỷ giá để điều tiết thanh khoản, cân bằng lãi suất - tỷ giá, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ổn định chính sách tiền tệ trong môi trường nhiều biến động
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò điều hành linh hoạt. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước.

Quý I/2024 trong bối cảnh thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và bất định, kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu khả quan nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, công đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ và tỷ giá để điều tiết thanh khoản, cân bằng lãi suất - tỷ giá, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô vừa diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước rất cố gắng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả với tình hình; các doanh nghiệp, tổ chức cơ cấu lại hoạt động sao cho phù hợp với tình hình. Các tổ chức tín dung cũng góp phần chia sẻ với doanh nghiệp để có đồng vốn lưu thông tốt hơn.

“Đó là những điểm sáng rất đáng trân trọng, biểu dương”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngay từ những ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo thanh khoản dồi dào cho hệ thống các tổ chức tín dung nhằm sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành; điều hành tỷ giá linh hoạt, hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo, thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.

Hiện lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.

Những tháng đầu năm, dù thị trường vàng có nhiều biến động nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết đã được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt. Trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.

Cùng với đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; rà soát, sửa đổi các văn bản hiện hành phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng năm 2024; Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15% và từ tháng 12/2023, đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Song 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Lý giải về điều này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Theo đó, mức giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, chỉ có hai lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã phục hồi vào tháng 3.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 3, tín dụng tăng trưởng 0,98%. Tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I đạt 0,26%.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tháng 1/2024 rơi vào sát Tết Nguyên đán, còn tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán cũng là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng nhằm thu hồi vốn, chứ không có nhu cầu vốn để mua thêm nguyên vật liệu sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm là điều bình thường và tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại từ tháng 3/2024 do doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu tích cực về đơn hàng, tiêu dùng trong nước cũng cải thiện.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung vào sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vốn sẽ tăng cao. Ngân hàng Nhà nước cũng giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là cơ sở để các ngân hàng thực hiện đẩy mạnh xem xét cho vay trong nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những khó khăn, vướng mắc phải đối mặt trong viêc điều hành chính sách tiền tệ. Đó là triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao nên tạo thách thức lớn cho việc điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng ...

Cùng với đó, nợ xấu có xu hướng tăng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2023 là 133%, tiềm ẩn rủi ro tài chính. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để đồng bộ với các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2024.

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Đặc biệt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, tăng cường tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế "tín dụng đen"; triển khai quyết liệt, hiệu quả các Chương trình, gói tín dụng.

Phó Thống đốc cũng cho rằng, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)…

Về phía các doanh nghiệp, rất cần thiết nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn thông qua các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật