Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn “khủng”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng gần kề, các nhà băng đua nhau lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn “khủng”
Vietcombank lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 77.500 tỷ đồng trong năm nay

Chia cổ tức bằng cổ phiếu

Mùa đại hội năm nay, nhiều ngân hàng dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến.

Năm 2023, Vietcombank đã phát hành 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (từ lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020), nâng tổng vốn điều lệ của Ngân hàng từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. Nếu tiếp tục được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng lên hơn 77.500 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng hồi đầu năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình đã kiến nghị NHNN tạo điều kiện cho Ngân hàng cũng như các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước được tăng vốn điều lệ. Đến thời điểm này, VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 cũng như có chủ trương cho phép Ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Hội đồng quản trị ACB cũng thông qua nghị quyết về việc chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước, theo tỷ lệ 25% (trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt). Với mức chia cổ tức này, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng thêm 5.800 tỷ đồng, lên mức 44.666 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn là quý III/2024. Tỷ lệ cổ tức này dự kiến cũng được ACB áp dụng cho năm 2024, với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

VIB cũng vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2024, sẽ được tổ chức vào ngày 2/4 tới. Theo đề xuất của Hội đồng quản trị, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ; trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Với phương án này, VIB sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỷ đồng. Qua đó, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng.

Phát hành riêng lẻ và ESOP

Liên quan đến kế hoạch tăng vốn năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái cho biết, dự kiến Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã triển khai tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.141 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Đáng chú ý, MB vừa công bố kết quả chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai nhà đầu tư là Viettel và SCIC. Theo đó, hai cổ đông lớn của MB đã mua toàn bộ 73 triệu cổ phiếu mà ngân hàng này chào bán với giá 15.959 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, Viettel đã mua 43 triệu cổ phiếu, nâng số lượng cổ phiếu MBB nắm giữ từ 965 triệu lên 1,008 tỷ cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu tăng từ 18,514% lên 19,072%, tiếp tục là cổ đông lớn nhất của MB. Còn SCIC mua thêm 30 triệu cổ phiếu, nâng số lượng cổ phiếu MBB đang nắm từ 491 triệu lên 523 triệu, tỷ lệ sở hữu tăng từ 9,425% lên 9,862% và là cổ đông lớn thứ hai của MB. Tổng số tiền MB huy động được từ đợt phát hành riêng lẻ là 1.165 tỷ đồng. Số cổ phiếu mới phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày hoàn thành, trừ trường hợp khác theo quy định. Sau chào bán, vốn điều lệ của MB đã tăng thêm 730 tỷ đồng, từ 52.141 tỷ đồng lên 52.871 tỷ đồng - đứng thứ 5 toàn ngành ngân hàng, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và cao hơn Agribank.

MB cho biết, số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được Ngân hàng sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực, bổ sung vốn kinh doanh trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cổ đông.

Tại đại hội cổ đông, tổ chức vào ngày 29/3, Nam A Bank sẽ trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2024 và kế hoạch tăng vốn thêm 25%, lên mức 13.725 tỷ đồng. Năm ngoái, Ngân hàng đã phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ 25%, qua đó, đưa vốn điều lệ từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng.

Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2024, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành trên 264,5 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận chưa phân phối), tương ứng giá trị hơn 2.645 tỷ đồng và phát hành 50 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), tương ứng 500 tỷ đồng. Việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi chia cổ phiếu thưởng.

Mục tiêu tăng vốn, được Hội đồng quản trị Nam A Bank cho hay, nhằm tăng cường năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động ngân hàng như mua sắm, đầu tư tài sản cố định; cải tiến cơ sở vật chất; nâng cao công nghệ ngân hàng; phát triển nguồn nhân lực; mở rộng hoạt động kinh doanh như cho vay, đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch…

Trong khi đó, LPBank dự kiến sẽ họp cổ đông vào ngày 27/4 tới. Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, nhà băng này tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024, nhưng mức tăng chưa được công bố. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, hiện LPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 trong hệ thống.

Thực tế cho thấy, năm 2023 là một năm tăng vốn điều lệ kỷ lục của ngành ngân hàng. Đến cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (không kể các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh) là hơn 760.000 tỷ đồng, tăng hơn 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong số 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, có tới 20 ngân hàng thực hiện tăng vốn. Trong đó, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ tăng mạnh nhất trong năm 2023. Sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), VPBank có nguồn lực tài chính hết sức dồi dào. Theo đó, VPBank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống và bỏ khá xa ngân hàng vị trí Top 2, Top 3.

Ngoài ra, kế hoạch trong năm nay, một số nhà băng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài như SHB, HDBank, SeABank… Trước đó, tháng 7/2023, Hội đồng quản trị SeABank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là Quỹ Norfund (quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này ước tính sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa 3.503 tỷ đồng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III thì không ít ngân hàng thương mại Việt Nam mới hoàn thành Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là cần thiết đối với các nhà băng. Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật