VN-Index sẽ sớm đối diện với cản mạnh 1.300 điểm
Thị trường chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch rất tích cực sau khi phục hồi mạnh trong phiên trước. VN-Index tạo khoảng trống tăng giá ngay từ đầu phiên lên mức quanh 1.270 điểm, rung lắc nhẹ trong phiên và tiếp tục duy trì xu hướng tăng tốt đến cuối phiên với thanh khoản gia tăng. Kết phiên giao dịch ngày 21/3, VN-Index tăng 16,34 điểm (+1,30%) lên mức 1.276,42 điểm, tiệm cận giá cao nhất 1.275-1.278 giá cao nhất các ngày chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nếu vượt qua được vùng giá này VN-Index sẽ có kỳ vọng lên lại vùng giá 1.285 điểm -1.295 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 08-09/2022. HNX-Index tăng 3,12 điểm (+1,31%) lên mức 241,14 điểm. Độ rộng thị trường rất tích cực với 497 mã tăng giá (16 mã tăng trần), 165 mã giảm giá (1 mã giảm sàn) và 135 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết gia tăng mạnh 35% so với phiên trước với 33.156,39 tỷ đồng được giao dịch, vượt mức trung bình. Cho thấy dòng tiền ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng trở lại sau những phiên chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi tâm lý thị trường vẫn lạc quan. Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có diễn biến giao dịch tích cực, dẫn dắt thị trường kiểm tra lại vùng giá cao nhất tuần trước khi nhiều mã vẫn tăng giá mạnh, thanh khoản khá đột biển nổi bật với: TCB (+6,62%), HDB (+5,75%), VIB (+2,97%), OCB (+2,76%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như: EIB (-1,62%), LPB (-0,88%)... Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến khá tích cực trở lại khi thanh khoản cải thiện cũng như trước những thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TTBTC ngày 31/12/2020, nhiều mã tăng giá khá tốt, thanh khoản khá đột biến như: VIG (+4,71%), SHS (+3,65%), VND (+3,63%), MBS (+2,44%)...
Các cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến nổi bật, thu hút lực cầu gia tăng manh với thanh khoản rất đột biến ở nhiều mã, nổi bật với ASM (+6,99%), CCL (+6,98%), PDR (+6,96%), HPX (+6,87%), DIG (+4,28%)... nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su phân hóa hơn sau giai đoạn tăng mạnh, nhiều mã vẫn tăng giá mạnh tích cực như D2D (+6,91%), KBC (+4,86%), IDV (+2,37%)... ngoài các mã điều chỉnh như TIP (-0,38%), PHR (-0,16%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường đã vận động theo kịch bản tích cực khi VN-Index hoàn thành nền tích lũy ngắn hạn và bùng nổ trong phiên 21/3, xu hướng vận động ngắn hạn tiếp tục tích cực nhưng VN-Index sẽ sớm đối diện với cản mạnh 1.300 điểm và sẽ có rung lắc quanh ngưỡng này. Về góc nhìn trung hạn, VN-Index đang có đà tăng mạnh nhưng thị trường cần có thêm thời gian để vận động tích lũy trước cản 1.300 điểm và chưa thể bùng nổ vượt cản tạo uptrend. Sau nhịp tăng khả năng thị trường sẽ điều chỉnh trở lại và vận động tích lũy trong kênh 1.150 điểm - 1.250 điểm hoặc 1.300 điểm.
“VN-Index đã bùng nổ thoát nền tích lũy ngắn hạn nên xu hướng ngắn hạn vẫn tích cực nhưng VN-Index sớm tiệm cận cản mạnh 1.300 điểm và có thể sẽ có rung lắc mạnh tại đây, nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi giá cao. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nửa trên của kênh tích lũy và đã trải qua nhiều nhịp rung lắc, tuy nhiên, VN-Index sớm tiệm cận cản mạnh 1.300 điểm và thị trường sớm vượt cản này mà thiên về xu hướng thị trường điều chỉnh và tích lũy lại sau đà hưng phấn, do đó, không nên giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường bước vào nhịp điều chỉnh và tích lũy lại”, chuyên gia của SHS nêu ý kiến.
Thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), với hiệu ứng dòng tiền lan tỏa tương đối tốt từ 20/3, dòng tiền mua lên nhập cuộc trong phiên chiều tương đối tốt. Chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất phiên và cũng là vùng chỉ số cao nhất trước đó. Thanh khoản thị trường gia tăng tương đối tốt với độ rộng thị trường lan tỏa với sắc xanh áp đảo toàn thị trường.
Thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh (Ảnh minh họa: KT)
“Nhà đầu tư trong bối cảnh dòng tiền duy trì cao, nhà đầu tư có thể mở rộng quan điểm trading ngắn trở lại và tập trung vào các cổ phiếu có thanh khoản tốt, đang trong xu hướng mạnh. Tỷ trọng cổ phiếu tối đa khuyến nghị ở ngưỡng 70%”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên hôm nay 22/3, nhưng đà tăng có thể duy trì. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.268 – 1.270 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng manh cho thấy các nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn với diễn biến thị trường và cơ hội mua mới vẫn còn khi rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp mặc dù các chỉ số đã tăng cao trong những phiên gần đây.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới ở các nhịp điều chỉnh”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.