Hiệu quả từ việc kiên quyết xử lý vi phạm an toàn giao thông

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đây là hiệu quả của việc xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, các lễ hội truyền thống ở nước ta sẽ còn tiếp diễn đến hết tháng ba âm lịch, do đó vẫn nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, đòi hỏi lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường ra quân kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Hiệu quả từ việc kiên quyết xử lý vi phạm an toàn giao thông
Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Thay đổi nhận thức người dân

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, với phương châm “không có vùng cấm - không ngoại lệ - không ngày nghỉ”, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, trong đó tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát quyết liệt, xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, đã xử lý 71.409 trường hợp vi phạm; phạt tiền 182 tỷ 425 triệu đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, số trường hợp xử phạt tăng 223,4%; tiền phạt tăng 265,4%; tạm giữ 1.864 xe ô tô, 34.082 xe mô tô và 140 phương tiện khác; tước 18.899 giấy phép lái xe các loại. Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao có TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Giang...

Có thể thấy, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử lý vi phạm nồng độ cồn cao, tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe trong thời gian dài cùng với việc quyết liệt xử lý của lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian qua đã và đang tạo nên những thay đổi tích cực trong ý thức của người dân đối với việc chấp hành quy định Pháp Luật. Bởi so sánh tương quan cho thấy, nếu những ngày đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy định mới (từ ngày 1.1.2020), lực lượng chức năng gặp rất nhiều trường hợp lái xe chống đối, vi phạm kịch khung, bỡ ngỡ trước mức xử phạt cũng như thời gian giữ giấy phép lái xe, thì thời gian gần đây, người dân dần quen và hợp tác với việc kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, coi đó là trách nhiệm của mình. “Lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm, quyết liệt các trường hợp vi phạm, nhất là đối với vi phạm về nồng độ cồn là rất tốt. Mình là người dân thì có trách nhiệm phối hợp để lực lượng chức năng kiểm tra và phải chấp hành Pháp Luật, đã uống rượu, bia thì không lái xe” - anh Nguyễn Minh (Đan Phượng, Hà Nội) bày tỏ.

Không chỉ hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát mà quan trọng hơn, ý thức chấp hành Pháp Luật của người dân cũng dần chuyển biến tích cực; chị Lê Thị Hiền (Vĩnh Phúc) vui vẻ cho hay: khác với mọi khi, từ nay khi chồng đi nhậu là tôi hay đi theo để chở về hoặc thuê lái xe đi xe về chứ không cho chồng tự lái về để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như bảo đảm an toàn giao thông, không làm ảnh hưởng đến người khác.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh khẳng định: công tác đấu tranh, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông. Kết quả này là nhờ bên cạnh việc kiểm tra, xử lý những vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông luôn thường trực trên các tuyến giao thông trọng điểm để hỗ trợ, giúp đỡ, kết hợp tuyên truyền cho hàng trăm nghìn người dân về quê đón Tết và quay trở lại các thành phố để làm việc, học tập... Nhiều việc làm thiết thực, ấm áp với tinh thần “Lúc dân cần Cảnh sát giao thông có, đâu dân khó có Cảnh sát giao thông” đã được lực lượng triển khai và tạo được ấn tượng mạnh mẽ với đông đảo người dân như hỗ trợ mũ bảo hiểm, nước uống, áo mưa, suất ăn nhẹ, phối hợp thay dầu, sửa xe miễn phí, giúp đỡ người dân ốm đau trên đường di chuyển...

Tuy nhiên thực tế, tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao do thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Do đó, để bảo đảm an toàn giao thông trong mùa lễ, hội kéo dài từ nay đến hết tháng ba âm lịch, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước sẽ tiếp tục tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm chuyên đề người điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn, m‌a tú‌y; quyết tâm hình thành bằng được thói quen văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Quá trình xử lý vi phạm triệt để, không né tránh với tinh thần thượng tôn Pháp Luật không có vùng cấm, không có ngoại lệ - Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cũng cho biết, hiện nay Cục Cảnh sát giao thông vẫn tiếp tục bố trí các tổ công tác tại 58 địa phương, với nhiều phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp cùng các đơn vị liên quan trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; đặc biệt là tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn, góp phần đưa Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 100 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội trong việc chấp hành Pháp Luật về giao thông đường bộ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật