Tháng 3 miền Bắc tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng 3, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và dông; riêng khu vực Đông Bắc Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn.
Tháng 3 miền Bắc tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn
Miền Bắc gia tăng mưa phùn và nồm ẩm trong tháng 3.

Mưa phùn và nồm ẩm gia tăng

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối tháng 3, trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C, riêng khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 5-15mm, có nơi thấp hơn 30mm so với trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Đức Hòa cảnh báo, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và dông; riêng khu vực Đông Bắc Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn. Trong thời kỳ này, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta xen kẽ với hoạt động của rãnh khí áp thấp ở phía Bắc với xu hướng hoạt động mạnh dần và tương tác với không khí lạnh.

Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sương mù, dông, lốc, sét, mưa đá. Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Sương mù và mưa nhỏ, mưa phùn có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông. Dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, nhiều ngày nắng nóng và khô hạn còn kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Bên cạnh những trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như mưa phùn, khiến di chuyển khó khăn, giao thông ùn tắc, sương mù khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao..., thời tiết nồm ẩm còn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà bạn khó có thể lường trước. Để đối phó với kiểu thời tiết nồm ẩm dẫn tới nấm mốc, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình nên luôn đóng kín cửa nhà, bật điều hòa để chế độ hong khô không khí, sử dụng các vật liệu hút ẩm như báo cũ, than củi hoặc các máy hút ẩm chống nồm, lau nhà bằng giẻ lau khô...

Thời gian nồm ở miền Bắc cũng xuất hiện với các đợt khác nhau. Có đợt kéo dài vài ngày, cũng có đợt kéo dài cả tuần. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi được khi nào gió mùa Đông Bắc tràn về. Mưa nhỏ, mưa phùn và sương mùa là một trạng thái thời tiết theo mùa ở miền Bắc, thường xuất hiện giai đoạn mùa Xuân, độ ẩm không khí tăng cao, ẩm ướt khó chịu. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Tình hình thời tiết này gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nắng nóng ở Nam Bộ ghi nhận giá trị cao lịch sử

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ ngày 21/1 đến nay nước đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh gây ra rét đậm, rét hại diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đợt không khí lạnh ngày 22/01 đã có rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài tại Bắc Bộ và Thanh Hóa-Nghệ An với nhiệt độ tối thấp phổ biến từ 8 -11 độ C, vùng núi từ 4 -7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C như Mẫu Sơn -3 độ C (xuất hiện vào ngày 24/01/2024).

Thời kỳ này, nhiệt độ trung bình trên tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực vùng núi phía Bắc có nơi thấp hơn từ 0,5-1 độ C; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 1 - 2 độ C.

Đặc biệt thời kỳ này, nắng nóng đã xảy ra sớm tại miền Đông Nam Bộ từ ngày 13-19/02, trong đó có nơi đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối vượt giá trị lịch sử đã từng quan trắc được. Tại Nha Trang (Khánh Hòa) là 31,9 độ C, vượt giá trị lịch sử ghi nhận được là 31,6 độ năm 1998. Biên Hòa (Đồng Nai) là 38 độ, vượt giá trị lichj sử năm 2018 là 37,2 độ. Thủ Dầu Một (Bình Dương) là 36,9 độ, vượt giá trị lịch sử là 36,7 độ. Ngoài ra còn có Nhà Bè (TPHCM), Vĩnh Long, Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Thổ Chu (Kiên Giang).

Thời kỳ này cũng xuất hiện 1 đợt mưa diện rộng từ ngày 22-25/01 tại khu vực Hà Tĩnh-Khánh Hòa với cường độ có nơi mưa vừa, mưa to. Trong thời kỳ qua, tại một trạm khí tượng đã quan trắc được lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ là Hà Tĩnh. Ngoài ra, từ ngày 27/01 đến hiện tại, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ liên tục có mưa nhỏ, mưa phùn, tập trung nhiều hơn về đêm và sáng. Tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 10-30mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cao hơn từ 20-70mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật