TP Hà Nội đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giải quyết nhiều vấn đề "nóng" của thành phố.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội với chiều dài 8,5 km nhưng bị đội vốn, chậm tiến độ nhiều lần. Hiện tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 99,7%; đoạn tuyến trên cao đã hoàn thành 7/8 giai đoạn kiểm tra nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang tiếp tục chỉ đạo tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục để vận hành đoạn trên cao vào tháng 6-2024
Trực tiếp thị sát vào ngày 12-2 (tức mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là dự án quan trọng không chỉ với TP Hà Nội, mà với cả nước, song thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị chậm tiến độ. Việc chậm tiến độ quá lâu so với dự kiến đã ảnh hưởng đến chất lượng dự án cũng như hiệu quả đầu tư thấp, đội vốn so với dự kiến. Từ thực tế, Thủ tướng đề nghị TP Hà Nội sớm họp bàn tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời, báo cáo Chính phủ các nguyên nhân dẫn đến chậm trễ để sớm có giải pháp tháo gỡ
Dự án xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai dịch (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 342 tỉ đồng, sử dụng vốn dư của dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai dịch-Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3. Dự án khởi công ngày 14-2-2023, dự kiến hoàn thành sau một năm
Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3-2024, kỳ vọng sẽ tăng năng lực giao thông qua nút giao Mai dịch, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội, bảo đảm thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận
Đầu tháng 10-2022, UBND TP Hà Nội tiến hành khởi công hầm chui qua nút giao Kim Đồng-Giải Phóng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai. Hầm chui có quy mô 4 làn xe với chiều dài 460 m, tổng mức đầu tư 778 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, thời gian thực hiện gói thầu là 30 tháng
Cùng với công trình hầm chui Kim Đồng, dự án Vành đai 2,5 có tổng chiều dài theo quy hoạch ban đầu là 19,41 km, quy mô mặt cắt ngang từ 40-50 m sẽ góp phần giải phóng tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực. Sau gần 1 năm thi công, dự án đã hoàn thành được nhiều hạng mục lớn. Khi hoàn thành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề "nóng" về giao thông, giao thương cho khu vực này
Dự án đường Vành đai 4 có quy mô 112,8 km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. Vành đai 4 chạy qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo dự án, liên tục đi kiểm tra, động viên, đề nghị các đơn vị đã cố gắng, cần cố gắng hơn nữa, tranh thủ thời cơ, tận dụng thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi hoàn thiện, Vành đai 4 sẽ "chia lửa" cho trục Vành đai 3 hiện nay đang quá tải và sẽ trở thành "xương sống" phát triển nối TP Hà Nội và nhiều địa phương khác
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tặng quà, động viên các công nhân thực hiện đường Vành đai 4
Dự án mở rộng đường Âu Cơ-Nghi Tàm đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân (thuộc dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường An Dương-Báo giai đoạn 2) cũng là một trong những dự án trọng điểm chống ùn tắc của TP Hà Nội. Dự án này cũng đang bị chậm tiến độ.
TP Hà Nội đang thúc tiến độ dự án hoàn thành vào giữa năm 2024. Hiện, công trình đang tăng tốc để kịp hoàn thành theo đúng thời gian đề ra...