Biến đổi khí hậu khiến thế giới đạt mức tăng 1,5 độ C lần đầu tiên trong 12 tháng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thế giới vừa trải qua tháng 1 ấm nhất trong lịch sử, đánh dấu khoảng thời gian 12 tháng đầu tiên có nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo cơ quan biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết vào thứ năm (8/2).
Biến đổi khí hậu khiến thế giới đạt mức tăng 1,5 độ C lần đầu tiên trong 12 tháng
Nắng nóng đã gây ra cháy rừng nghiêm trọng ở Chile hồi đầu tháng này. Ảnh: Reuters

Năm 2023 đã là năm nóng nhất hành tinh từng được ghi nhận kể từ năm 1850, do biến đổi khí hậu do con người gây ra và El Nino - kiểu thời tiết làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương đã đẩy nhiệt độ lên cao hơn.

Matt Patterson, nhà vật lý khí quyển tại Đại học Oxford, cho biết: “Đây là một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng thời gian 12 tháng vượt quá 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp”.

Tháng 1 ấm nhất trước đó là vào năm 2020, theo hồ sơ của dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) có từ năm 1950.

Các quốc gia đã đồng ý tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris vào năm 2015 về việc duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và đặt mục tiêu lý tưởng hơn ở dưới 1,5 độ C, mức được coi là quan trọng để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng nhất.

Khoảng thời gian 12 tháng đầu tiên vượt quá 1,5 độ C không có nghĩa là mục tiêu Paris đã bị bỏ lỡ, vì thỏa thuận của Liên hợp quốc đề cập đến nhiệt độ trung bình toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho biết mục tiêu 1,5 độ C không còn có thể đạt được trên thực tế và kêu gọi các quốc gia hành động nhanh hơn để cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm hạn chế mức vượt quá mục tiêu.

Phó giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết: “Việc giảm nhanh chóng lượng phát thải khí nhà kính là cách duy nhất để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng lên”.

Bộ trưởng Chính sách Khí hậu Toàn cầu của Đan Mạch Dan Jorgensen nói: “Chúng ta đang hướng tới một thảm họa nếu không thay đổi căn bản cách sản xuất và tiêu thụ năng lượng trong vòng vài năm. Chúng ta không có nhiều thời gian".

Mỗi tháng kể từ tháng 6 năm 2023 đều là tháng nóng nhất thế giới được ghi nhận. Các nhà khoa học Mỹ cho biết năm 2024 có 1/3 khả năng thậm chí còn nóng hơn năm ngoái và 99% cơ hội được xếp hạng trong 5 năm ấm nhất.

Nắng nóng đang tấn công một số quốc gia ở Nam Mỹ, khu vực đang trải qua mùa hè ở Nam bán cầu. Argentina phải hứng chịu đợt nắng nóng từ ngày 21 đến 31 tháng 1. Trong khi đó, nắng nóng đã gây ra cháy rừng khiến ít nhất 131 người thiệt mạng hồi đầu tháng này ở Chile.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật