Hôm 9/1, Astrobotic Technology (trụ sở Pennsylvania), công ty phát triển tàu đổ bộ mặt trăng đầu tiên của Mỹ sau hơn 5 thập niên, buộc phải từ bỏ nỗ lực đáp tàu Peregrine xuống mặt trăng trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi rời bệ phóng ở Florida (Mỹ) hôm 8/1. Theo Reuters, nguyên nhân là do con tàu xảy ra tình trạng rò rỉ nhiên liệu, gây mất lực đẩy nghiêm trọng.
Thông báo vào ngày 8/1 của công ty Astrobotic Technology cho biết, tàu Peregrine đã tách thành công khỏi tên lửa Vulcan mới của United Launch Alliance chỉ sau một đêm khỏi Căn cứ Lực lượng Không gian Cape Canaveral và nhanh chóng thiết lập liên lạc với mạng lưới anten vô tuyến trên mặt đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Tất cả các hệ thống của tàu đều hoạt động như mong đợi và tàu "chuyển sang trạng thái hoạt động hoàn toàn." Tuy nhiên, "thật không may, một sự cố bất thường xảy ra khiến tàu không thể đạt được hướng ổn định về mặt trời."
Theo đó, tàu đổ bộ không thể tự đặt vào vị trí đối diện với mặt trời do trục trặc ở bộ phận đẩy, dẫn đến hậu quả là con tàu không thể sạc được pin. Vấn đề pin được giải quyết sau đó, nhưng đến hiện tại Astrobotic vô phương xoay xở do vấn đề xảy ra liên quan hệ thống đẩy của con tàu.
Hình ảnh đầu tiên truyền về từ sứ mệnh Peregrine cho thấy những lớp cách nhiệt bên ngoài con tàu bị rúm ró, minh chứng cho sự bất thường ở hệ thống đẩy. Đến hôm 9/1, Astrobotic cập nhật thông tin cho hay vụ rò rỉ nhiên liệu đang khiến tổ hợp đẩy kiểm soát hệ thống định hướng của con tàu phải vận hành nhiều hơn dự kiến nhằm ngăn chặn Peregrine lâm vào tình trạng hoạt động hỗn loạn. Tổ hợp đẩy chỉ có thể hoạt động tối đa thêm 40 giờ kể từ thời điểm thông báo.
"Tính đến thời điểm hiện tại, mục tiêu của chúng tôi là đưa Peregrine đến càng gần mặt trăng càng tốt trước khi mất năng lực duy trì vị trí hướng về mặt trời và dẫn đến cạn dần năng lượng", Đài CNN dẫn thông báo của công ty. Điều đó cũng đồng nghĩa Astrobotic phải hủy bỏ mục tiêu cho tàu đáp xuống bề mặt mặt trăng, lẽ ra thực hiện ngày 23/2.
Cho đến nay, việc hạ cánh nhẹ nhàng xuống “người hàng xóm” gần nhất của Trái đất mới được một số ít quốc gia thực hiện. Mỹ và các nước khác đang ngày càng chuyển sang lĩnh vực thương mại để thực hiện các nhiệm vụ thường lệ và vận chuyển phần cứng với chi phí thấp hơn.
Được biết, Astrobotic đã chế tạo Peregrine theo hợp đồng trị giá 108 triệu USD với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Con tàu được thiết kế giá rẻ, nhằm phục vụ tầm nhìn của NASA là giảm chi phí phóng tàu đổ bộ lên mặt trăng nhờ vào sự phối hợp với công ty tư nhân.