Theo cảnh sát địa phương, tuần trước, Kai Zhuang (du học sinh người Trung Quốc) được báo cáo mất tích. Sau đó, Kai Zhuang được tìm thấy tại một căn lều ở vùng nông thôn Utah (Mỹ).
Trước đó, những kẻ lừa đảo ẩn danh đã thuyết phục thiếu niên 17 tuổi này tự cô lập bản thân.
Cơ quan chức năng cho biết khi Kai Zhuang tự cô lập trong rừng, kẻ bắt cóc đã gửi yêu cầu tiền chuộc và một bức ảnh - do chính Zhuang chụp - cho cha mẹ cậu ở Trung Quốc, đồng thời thông báo cậu đã bị bắt cóc.
Cuối cùng, gia đình của Zhuang đã trả 80.000 USD (khoảng hơn 1,9 tỷ đồng) cho bọn tội phạm.
Trao đổi với BBC, các chuyên gia nói rằng những tiến bộ công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm thực hiện âm mưu bắt cóc ảo. Vụ việc của Zhuang không phải là trường hợp cá biệt.
"Với cách thức chúng thực hiện trong hầu hết trường hợp, điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Những tội ác này ngày càng nhắm mục tiêu cụ thể và đòi hỏi số tiền chuộc lớn hơn", Joseph Steinberg, một chuyên gia an ninh mạng từng tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ, cho biết.
Chiêu lừa bắt cóc ảo
Theo BBC, cảnh sát Utah nghi ngờ những kẻ bắt cóc đã bắt đầu thao túng Kai Zhuang từ đầu tháng 12/2023, khi cậu được nhìn thấy mang theo đồ đi cắm trại.
Chuyên gia an ninh mạng Joseph Steinberg cho biết các vụ bắt cóc ảo thường diễn ra bằng cách tội phạm gọi điện hoặc nhắn tin lừa nạn nhân rằng người thân của họ đã bị bắt cóc, trong khi thực tế người đó vẫn an toàn.
Người bị lừa sẽ nghe thấy tiếng la hét giả qua điện thoại và tin rằng người thân của họ đang gặp nguy hiểm rồi sẵn sàng chi tiền chuộc.
"Kẻ xấu sẽ làm mọi cách để nạn nhân không cúp máy. Ví dụ, chúng dọa sẽ gây hại nếu bạn cúp máy hoặc cố gắng liên lạc với bất kỳ ai. Từ đó, nạn nhân sẽ hoảng sợ và đưa ra quyết định vội vàng", tiến sĩ Marie-Helen Maras, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm Mạng tại John Jay College of Criminal Justice, nói.
Tiến sĩ Maras cũng cho biết đã có một số trường hợp sinh viên trao đổi người Trung Quốc ở các quốc gia khác, bao gồm Canada và Australia, bị ép dàn cảnh bắt cóc để tống tiền người thân.
Kai Zhuang là nạn nhân một vụ bắt cóc ảo. Ảnh: BBC.
Loại tội phạm dễ kiếm chác nhất
Mặc dù không có dữ liệu chính thức về tần suất của những vụ bắt cóc ảo (thường không được trình báo), các chuyên gia cảnh báo rằng tiến bộ công nghệ đã khiến loại hình tội phạm này trở nên dễ dàng và phổ biến hơn.
Ông Joseph Steinberg lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để giả giọng người thân, lừa đảo nạn nhân nộp tiền chuộc.
"Công nghệ đã phát triển đến mức ngay cả những cha mẹ yêu thương con cái hết mực và hiểu rõ con mình cũng có thể bị lừa", ông nói.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng là công cụ cho kẻ xấu nghiên cứu, thu thập thông tin và nắm bắt chi tiết cuộc sống nạn nhân trước khi tiếp cận.
Tiến sĩ Maras cho biết tội phạm "thậm chí có thể mạo danh số điện thoại để khiến nó trông giống như cuộc gọi từ người thân". Chúng ngày càng tinh vi trong việc che giấu hành vi lừa đảo.
Ông Steinberg nhận định những vụ lừa đảo này dường như đạt được số tiền chuộc cao hơn, trong khi tỷ lệ bị bắt lại rất thấp.
Trước đây, tội phạm thường nhắm vào những đối tượng dễ bị tổn thương hơn - chẳng hạn người nhập cư không có giấy tờ hoặc người không thành thạo tiếng Anh - để lừa đảo số tiền nhỏ.
Nhưng trong trường hợp của Zhuang, các quan chức cho biết cha mẹ cậu đã phải trả một khoản tiền chuộc khổng lồ.
"Tội phạm mạng có lẽ là tội phạm dễ kiếm chác nhất. Chúng có thể nhắm mục tiêu đến các nạn nhân trên khắp thế giới và có thể thực hiện hành vi phạm tội từ bất cứ đâu", ông Steinberg kết luận.
Tiến bộ công nghệ đã khiến loại hình tội phạm mạng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Ảnh: Hoàng Nam.
Phải làm gì?
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bắt cóc ảo nhưng vẫn có những biện pháp giúp bạn nâng cao nhận thức và bảo vệ bản thân.
Trước hết, bạn hãy ý thức về vấn đề này, biết rõ thông tin cá nhân nào đã công khai và luôn duy trì cảnh giác, theo chuyên gia an ninh mạng Joseph Steinberg.
Nếu trở thành mục tiêu, việc đầu tiên là báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, khi nhận được bất kỳ cuộc gọi hoặc tin nhắn khẩn cấp nào, hãy cố gắng liên lạc trực tiếp với người thân để xác nhận vị trí của họ. Các gia đình cũng nên xây dựng những từ khóa riêng chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp và đảm bảo kẻ xấu không thể biết được.
Ông Steinberg cho biết các cơ quan thực thi Pháp Luật và các công ty viễn thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tội phạm này, bằng cách cải thiện xác thực và truy tìm nguồn gốc các cuộc gọi.
Số nạn nhân chính xác vẫn chưa được thống kê nhưng các chuyên gia nhấn mạnh những hành động nhỏ trên có thể giúp mọi người an toàn hơn.