Cực quang có thể xuất hiện với nhiều màu sắc, nhưng xanh lá nhạt và hồng là hai màu phổ biến nhất. Người xem có thể thấy các dải sáng màu đỏ, vàng, xanh lam hay tím khi quan sát hiện tượng này.
Buổi tối với bầu trời trong vắt sẽ giúp bạn quan sát được trọn vẹn hình ảnh cực quang xuất hiện cùng với ánh sáng rực rỡ.
Cực quang có nhiều hình dạng, từ các vệt tiếp nối, dải lụa đến tia thẳng, đem lại cho bầu trời màn trình diễn ánh sáng lộng lẫy. Ánh sáng của cực quang có thể trải rộng tới khoảng 80 km và nằm ở độ cao 640 km so với bề mặt trái đất.
Các nhà khoa học nhận thấy trong phần lớn trường hợp, Bắc Cực quang và Nam Cực quang giống như “sinh đôi”, diễn ra cùng lúc, với màu sắc và hình dạng tương tự.
Các cực quang thường "trình diễn" trong vài giờ trước khi biến mất. Mỗi lần cực quang diễn ra là một chương trình nghệ thuật bởi màu sắc, độ sáng, hình dạng của các dải sáng thay đổi liên tục, khi thì nhẹ nhàng, khi thì lên cao trào.
Những quốc gia nằm trong vùng vĩ độ thấp như Canada, Na Uy, Thụy Điển, Iceland… sẽ dễ nhìn ngắm cực quang. Thường thì cực quang được nhìn thấy vào những đêm trời quang, lạnh buốt.
Các màn trình diễn ánh sáng này còn có thể được nhìn thấy ở mũi phía nam Greenland và Iceland, bờ biển phía bắc Na Uy và trên vùng biển phía bắc Siberia.
Hiếm người thấy được Nam Cực quang do các dải sáng tập trung theo một vòng tròn quanh Nam Cực và phía nam Ấn Độ Dương. Mùa đông ở phương bắc thường là thời gian lý tưởng để bắt gặp và ngắm nhìn cực quang. Bầu trời lúc nửa đêm trong vắt là phông nền tuyệt vời để bạn chiêm ngưỡng những luồng sáng nhảy múa.
Ngày nay, săn cực quang đang dần trở thành trải nghiệm mà nhiều người muốn thử một lần trong đời. Cùng nhau ngắm các hình ảnh cực quang bất ngờ xuất hiện trên bầu trời cùng thứ ánh sáng ảo diệu là nguyện ước của nhiều người.