Hà Nội mù mịt từ sáng sớm do ô nhiễm không khí
Sáng 22/11, tình trạng ô nhiễm không khí ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục trầm trọng với các chỉ số ô nhiễm cao vọt. Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội trong sáng nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội đang ở mức rất xấu.
Khu vực nội thành Hà Nội từ sáng sớm trời đã mù mịt, tầm nhìn giảm thấp, nhiều điểm đo cảnh báo chất lượng không khí rất xấu với mức màu tím như Thanh Xuân có AQI là 245, Cầu Giấy có AQI là 271, Tây Hồ là 199, Ba Đình 209... Hầu hết các điểm đo khác có mức cảnh báo ô nhiễm không khí màu đỏ, Các huyện ngoại thành Hà Nội đều có chỉ số chất lượng không khí xấu như Chương Mỹ có AQI là 241, Ba Vì 218, Gia Lâm 209.
Hà Nội mù mịt do ô nhiễm không khí những ngày gần đây.
Vào lúc 9h00 ngày 22/11, cá biệt có điểm đo, mức ô nhiễm đã đạt đến 500, tức là mức độ ô nhiễm cao nhất trong thang đo. Đây là mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe ở mức nghiêm trọng.
Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định sáng nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 218 (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người). Hai điểm đo khác tại Hải Hậu và Nam Trực cũng ghi nhận chất lượng không khí có hại cho sức khỏe con người.
Tại Bình Lục (Hà Nam), Mỹ Hào (Hưng Yên), Thái Thụy (Thái Bình) hay Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chỉ số ô nhiễm không khí cũng ở ngưỡng có hại. Thành phố Việt Trì, Thái Nguyên hay Bắc Ninh cũng là điểm nóng ô nhiễm không khí trong sáng nay.
Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hay Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Ô nhiễm không khí tại miền Bắc liên quan chặt chẽ đến điều kiện thời tiết. Vào mùa mưa, ô nhiễm không khí ít xảy ra. Vào mùa đông (tháng 10 đến tháng 3 năm sau), trong những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn tích tụ gần mặt đất, dẫn đến những đợt ô nhiễm không khí dài ngày. Theo dự báo, đợt ô nhiễm không khí hiện tại có thể kéo dài đến hết tuần. Từ đầu tuần sau, chất lượng không khí được cải thiện.
Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được thể hiện qua một thang điểm.
Theo hướng dẫn, AQI được áp dụng cho 2 loại: AQI ngày là giá trị đại diện cho chất lượng không khí trong 1 ngày; AQI giờ là giá trị đại diện cho chất lượng không khí trong 1 giờ. Chỉ số chất lượng không khí sẽ được tính theo thang điểm gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Các mức độ về chất lượng không khí do Tổng cục Môi trường hướng dẫn.
Cụ thể, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh; AQI (51 - 100), chất lượng không khí trung bình, màu vàng; AQI (101 - 150), chất lượng không khí kém, màu da cam; AQI (151 - 200), chất lượng không khí xấu, màu đỏ; AQI (201 - 300), chất lượng không khí rất xấu, màu tím; AQI (301 - 500), chất lượng không khí nguy hại, màu nâu.
Các thông số về chất lượng không khí được sử dụng để tính AQI bao gồm: SO2, CO, NO2, O3, PM10 và PM2.5. Phương pháp tính toán AQI yêu cầu bắt buộc phải có tối thiểu 1 trong 2 thông số PM10, PM2.5 trong công thức tính.
Cách gì bảo vệ sức khỏe?
TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lý giải, mùa đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm, ví dụ gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Trong khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp những điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.
Những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinּh lּý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinּh lּý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
"Vào mùa đông, nồng độ PM2.5 tăng cao, AQI đỏ thậm chí nâu vào sáng sớm từ 2h đến 6h sáng rất có hại cho sức khỏe. Người dân thường hay nghĩ việc tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm mà ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe", TS Hoàng Dương Tùng cho biết.