Nghiên cứu báo động tình trạng tan chảy thềm băng ở Tây Nam Cực

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo hãng CNN, một nghiên cứu mới đây cho biết hiện tượng băng tan chảy ở Tây Nam Cực được dự báo là điều không thể tránh khỏi do sự gia tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nghiên cứu báo động tình trạng tan chảy thềm băng ở Tây Nam Cực
Tây Nam Cực - quê hương của Sông băng Thwaites, còn được gọi là “sông băng Ngày tận thế“. Ảnh: CNN

Băng tan ở Tây Nam Cực

Theo nghiên cứu mới được công bố hôm 23/10 trên tạp chí Nature Climate Change, ngay cả khi thế giới đạt được các mục tiêu đầy tham vọng nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, Tây Nam Cực vẫn có khả năng phải trải qua tình trạng đại dương nóng lên đáng kể và thềm băng tan chảy. Băng tan chảy sẽ gây ra nguy cơ mực nước biển ngày càng dâng cao trong thời gian tới.

Thềm băng là những lưỡi băng nhô ra biển ở cuối sông băng, hoạt động như những trụ đỡ, giúp giữ băng trên đất liền, làm chậm dòng chảy của băng ra biển và được xem là biện pháp phòng thủ quan trọng chống lại mực nước biển dâng cao. Khi các thềm băng tan chảy, chúng sẽ mỏng đi và mất khả năng chống đỡ.

Mặc dù ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng mất băng ở Tây Nam Cực có thể xảy ra trong tương lai nhưng vẫn chưa chắc chắn về biện pháp ứng phó ngăn chặn của con người qua các chính sách về khí hậu.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hiện tượng "tan chảy cơ bản" khi dòng hải lưu ấm áp làm tan băng từ bên dưới. Họ cũng phân tích tốc độ nóng lên của đại dương và thềm băng tan chảy trong các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau.

Nghiên cứu mới đây xuất phát từ mục tiêu duy trì thỏa thuận giữ mức nhiệt toàn cầu là 1,5 độ C trong bối cảnh hành tinh ngày càng nóng lên. Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện ra rằng cho dù thế giới có khả năng hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C thì biến đổi khí hậu vẫn có thể khiến đại dương ấm lên với tốc độ gấp 3 lần so với lịch sử.

Báo cáo khẳng định ngay cả khi đã cắt giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm làm nóng hành tinh hiện nay thì khả năng ngăn chặn các đại dương ấm hơn vẫn khó có thể đạt được nếu các dải băng ở Tây Nam Cực sụp đổ.

"Có vẻ như chúng ta đang dẫn mất kiểm soát đối với tình trạng băng tan ở Tây Nam Cực trong thế kỷ 21", bà Kaitlin Naughten, chuyên gia lập mô hình đại dương thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Tây Nam Cực hiện là nơi có khả năng đóng góp lớn nhất đối với mực nước biển dâng lên toàn cầu trên lục địa và có số lượng lớn băng để nâng mực nước biển lên trung bình 5,3 mét, hay hơn 17 feet. Chuyên gia Naughten cho biết đây là quê hương của Sông băng Thwaites, còn được gọi là "sông băng Ngày tận thế", vì sự sụp đổ của băng ở đây có thể làm mực nước biển dâng lên vài feet, buộc các cộng đồng ven biển hoặc các quốc đảo vùng thấp phải xây dựng rào chắn ngăn xung quanh mực nước biển dâng hoặc từ bỏ những nơi này và tìm đến vùng đất mới sinh sống.

"Mặc dù nghiên cứu tập trung vào sự tan chảy của thềm băng và không trực tiếp định lượng tác động đến mực nước biển dâng nhưng chúng tôi có mọi lý do để dự đoán rằng mực nước biển dâng sẽ tiếp tục tăng lên’, bà Naughten nói thêm.

"Nước biển dâng lên là điều không tránh khỏi"

Trong khi đó, ông Ted Scambos, một nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado Boulder, người không tham gia vào nghiên cứu lại cho biết những phát hiện này thật "tỉnh táo". Ông Ted Scambos cho rằng phát hiện mới lần này đang dựa trên nghiên cứu hiện có để vẽ ra một bức tranh đáng báo động về những gì đang xảy ra với lục địa cực nam của hành tinh.

"Điều đáng buồn là dự báo khả năng mực nước biển dâng cao, đặc biệt là trong thế kỷ tới. Những người còn sống ngày nay sẽ chứng kiến mực nước biển dâng cao đáng kể ở tất cả các thành phố ven biển trên thế giới", ông Ted Scambos nhấn mạnh. 

Theo ông Scambos, cách duy nhất để thực sự ngăn chặn tình trạng băng tan nhanh chóng không chỉ là cắt giảm mức độ ô nhiễm làm nóng hành tinh mà còn phải loại bỏ một số thứ đã tích tụ từ lâu. Ông cho rằng đây sẽ là "một thách thức thực sự".

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cũng tỏ ra thận trọng về nghiên cứu này. Chẳng hạn như chuyên gia Tiago Segabinazzi Dotto, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Anh cho rằng vấn đề cần được "xử lý cẩn thận" vì đang dựa trên một mô hình duy nhất. Kết luận được cho là phù hợp với nghiên cứu trước đây trong khu vực nhưng nghiên cứu này vẫn cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét thêm.

Bà Naughten và các đồng nghiệp cũng thừa nhận nghiên cứu vẫn tồn tại các hạn chế vì dự đoán tốc độ tan chảy trong tương lai ở Tây Nam Cực là rất phức tạp và không thể tính toán mọi kết quả chính xác có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, khi xem xét nhiều kịch bản khác nhau, các tác giả tin tưởng rằng việc tan băng hiện nay là điều không thể tránh khỏi.

"Câu hỏi về khả năng diệt vong và u ám là điều tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ trong nghiên cứu này" bà Naughten nói.

Theo chuyên gia Naughten, sự khôn ngoan thông thường được cho là mang lại cho mọi người hy vọng. Tuy nhiên, tôi không thấy nhiều hy vọng trong câu chuyện này và đó là những gì khoa học nói với tôi, là những gì tôi phải truyền đạt với thế giới.

Thềm băng ở Tây Nam Cực tan chảy là một trong những tác động lớn của biến đổi khí hậu.

"Có lẽ chúng ta sẽ phải thích nghi với điều đó và hiện tượng mực nước biển dâng lên là điều mà chúng ta sẽ không thể tránh khỏi trong tương lai", bà Naughten nhấn mạnh

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật