Mỹ vừa công bố một loạt các biện pháp mới vào ngày 17/10, có hiệu lực sau 30 ngày, hạn chế bán chip và công cụ sản xuất chip tiên tiến cho nhiều quốc gia, bao gồm Iran, Nga và đưa hai hãng thiết kế chip Trung Quốc Moore Threads, Biren vào danh sách đen. Biren và Moore Threads là hai startup do cựu nhân viên Nvidia thành lập. Cả hai đều phản đối quyết định của Mỹ.
Các biện pháp mới nhằm chặn lỗ hổng trong quy định hồi tháng 10/2022 và sẽ được cập nhật tối thiểu mỗi năm một lần, theo Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Mục tiêu là hạn chế khả năng tiếp cận bán dẫn hiện đại để thúc đẩy đột phá trong trí tuệ nhân tạo và máy tính tinh vi, quan trọng với ứng dụng quân sự của Trung Quốc. Bà cho biết Trung Quốc vẫn nhập khẩu hàng trăm tỷ USD bán dẫn Mỹ.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc nói “kiên quyết phản đối” các hạn chế mới của Mỹ.
Theo Reuters, những biện pháp cấm vận cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang vật lộn để làm chậm dòng chảy chip và thiết bị sản xuất chip vào Trung Quốc.
Báo cáo tháng 6/2022 của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown cho thấy trong số 97 chip AI riêng lẻ được mua thông qua đấu thầu quân sự Trung Quốc trong 8 tháng năm 2020, gần như toàn bộ đều do Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi thiết kế.
Năng lực AI, được hỗ trợ bởi siêu điện toán và chip hiện đại, cải thiện tốc độ và độ chính xác khi ra quyết định, lập kế hoạch và hậu cần quân sự.
Trong thông báo phát đi sau khi ban hành lệnh cấm, nhà thiết kế chip AI hàng đầu thế giới Nvidia cho biết họ tuân thủ quy định và sẽ không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Hoạt động kinh doanh của Nvidia tăng vọt từ khi các lệnh cấm áp đặt năm ngoái vì chip dành riêng cho Trung Quốc của hãng vẫn tốt hơn đối thủ.
Dù vậy, trong tương lai, Nvidia có thể bị tổn thương khi doanh nghiệp chip Trung Quốc tìm cách lấp đầy khoảng trống mà các công ty Mỹ để lại.
Quy định mới miễn trừ hầu hết chip tiêu dùng sử dụng trong laptop, smartphone, game, dù một số phải tuân thủ yêu cầu cấp phép và thông báo cho quan chức Mỹ.
Các quy định trước đây áp dụng bài test hai chiều - đo lường hiệu suất tính toán của chip và khả năng giao tiếp với các chip khác. Đây là một phép đo quan trọng trong siêu máy tính AI nơi hàng nghìn con chip được xâu chuỗi lại với nhau để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Nvidia và Intel tạo ra những con chip đặc biệt cho thị trường Trung Quốc, vẫn duy trì sức mạnh tính toán mạnh mẽ nhưng hạn chế tốc độ giao tiếp để không phạm luật.
Tuy nhiên, quy định mới lại hạn chế sức mạnh tính toán của một con chip trong kích thước nhất định, nhằm ngăn chặn việc lách luật bằng cách sử dụng “chiplet” – công nghệ mà Trung Quốc cho là trung tâm của tương lai bán dẫn.
Ngoài ra, biện pháp mới còn mở rộng yêu cầu cấp phép xuất khẩu chip hiện đại sang hơn 40 quốc gia. Chip bị cấm gửi đến các chi nhánh của doanh nghiệp ở bất kỳ đâu trên thế giới nếu trụ sở của công ty mẹ đặt tại Trung Quốc, Macau và các nước bị cấm vận vũ khí khác.
Chính quyền ông Biden còn nhắm đến 21 quốc gia ngoài Trung Quốc với yêu cầu cấp phép công cụ sản xuất chip do lo ngại thiết bị có thể chuyển hướng sang Trung Quốc và lo ngại an ninh khác.
Danh sách thiết bị bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc còn bổ sung một số hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV). DUV kém hiện đại hơn máy in thạch bản EUV nhưng vẫn có thể sản xuất chip tiên tiến với chi phí cao hơn.
Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ cho biết đang đánh giá tác động của quy định mới và kêu gọi chính phủ hợp tác với các đồng minh. “Các biện pháp kiểm soát đơn phương, quá rộng có nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn Mỹ mà không thúc đẩy an ninh quốc gia”, nhóm này cho biết.